
Thuỷ Anh, tên thường gọi là Phạm Lan Hoa.
Tôi đã gặp Hoa ở chiến khu trong những năm còn chiến tranh. Hoa tham gia kháng chiến từ rất sớm và cũng sớm cầm bút từ trước năm 1975. Hoa công tác ở Báo Giải phóng tỉnh Quảng Nam. Lần lên Hội văn nghệ Giải phóng Khu, gặp chúng tôi Hoa còn nhiều bỡ ngỡ nhưng ngay sau đó cô đã nhận được tình cảm đầm ấm, những lời động viên chân tình của anh chị em văn nghệ ở Khu. Mọi người quý Hoa, coi Hoa như em út, hơn thế nữa, cô là người trưởng thành từ phong trào. Những người làm văn nghệ chuyên nghiệp bấy giờ rất quý và mong muốn xây dựng được nhiều hạt nhân văn nghệ ở cơ sở. Tôi được đọc thơ Hoa. Bẵng đi một thời gian dài ít thấy Hoa xuất hiện trong thơ. Tôi nghĩ về cô như là “Đường đi không đến”. Ấy là lúc Hoa vào đại học (sau giải phóng) vì trong chiến tranh Hoa không có điều kiện. Ra trường Hoa chuyển sang làm bên lĩnh vực kinh tế, kinh doanh gì đó trong một cơ quan nhà nước. Vào tuổi 40 Hoa đã nghỉ hưu. Những tháng năm lặng thầm là khoảng thời gian lo toan cho chồng, cho con, cho gia đình nhỏ bé của mình, cũng là những tháng năm đầy ắp suy tư để bây giờ cho ra đời tập thơ “Suy tư trắng”. Đọc tập thơ tôi như nghe cô nói với chúng tôi bằng cả nỗi niềm:-“Hoa đây, Hoa vẫn còn đây” mặc dù bây giờ là Thuỷ Anh. Thơ Hoa giản dị, là lời giải bày chân thực về mình, cảm xúc không cuồn cuộn, cũng không êm ả, phẳng lặng, dường như nó chưa toát ra được tất cả những điều muốn nói, đôi lúc như còn e ấp khiến người đọc luôn cảm thấy cái “lăn tăn” trong nỗi niềm của người con gái. Tôi tin rằng Hoa sẽ biết vượt qua những trở ngại trong đời, trong thơ với sự khoẻ khoắn và tự tin như buổi đầu đi theo cách mạng.
Nhị Hà