Viết từ Đà Nẵng
Anh Phụng,
Ở trang đầu cuốn Đặc san biên khảo văn học nghệ thuật Quảng Đà, do Thái Tú Hạp chủ trương, nhà xuất bản Sông Thu ấn hành tại Los Angeles California, Hoa Kỳ, tháng 3 năm 2004, anh mang về tặng tôi với nét chữ bay bướm, thoải mái: "Kính biếu. Xuân 2008 - Phan Bá Phụng,
Tôi có chú em, con thầy giáo của chúng tôi trước năm 1975, đến năm 1980 được vợ bảo lãnh sang Mỹ, ngoài việc vẽ tranh, còn trực tiếp làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút tờ tạp chí Hợp Lưu ở California, năm nào cũng về Đà Nẵng tu sửa thắp hương hai ngôi mộ cha mẹ nó mai táng ở Xuân Hà, chủ yếu tranh thủ mua sách báo đóng thùng mang sang để khai thác viết sách làm báo, rất thành thật nói rằng: "Làm báo ở ngay đất nước ấy, không bịa đôi ba câu chống Cộng thì làm sao tồn tại, sống được!". Tôi hiểu vậy, và chắc cũng vậy. Đó là những tờ báo và người làm báo có chút tự trọng, dũng cảm le lói, nhưng cái chính là để kiếm sống, kinh doanh chữ nghĩa, hoặc vinh danh đánh bóng tên tuổi.
Vài năm gần đây, như Đặc san Quảng Đà nói trên chắc chắn không còn gì để nói, thêm thắt vẽ vời càng khó, vì bà con người Việt ở hai bờ đại dương thường xuyên đi về thăm thú, làm ăn, đầu tư , mua bán, tìm về cội nguồn gia tộc, cố hương đều biết đất nước, biết xứ sở "Quảng Đà" như thế nào rồi, chưa nói báo chí, rồi mạng, "lốc", VTV4 (kênh truyền hình) dành cho bà con xa xứ ở năm châu bốn biển, gần như 24 giờ/ngày đêm tràn ngập thông tin. Có lẽ vì thế, nên cái phần văn học nghệ thuật đã chiếm hơn 95% của đặc san trên 700 trang in chữ nhỏ, trình bày rất gợi với những tít bài rất kêu kiểu "Trầm tư của người xa xứ", "Nỗi buồn mùa Thu", "Nỗi nhớ bỗng quay về", "Tết nhớ thằng bạn xa quê", "Đà Nẵng theo em", "Mùa Xuân viễn xứ", " Thả ngọn phù vân", " Một số tên tuổi gốc Quảng Nam hoạt động văn học sau 1975 tại hải ngoại", " Với ghi sầu khổ lên đường", "Hội An những ngày tháng cũ" v.v... nhưng cũng đang được chăng hay chớ, sống thấp thỏm nhờ vào số độc giả mạnh thường quân (có thơ đăng) cưu mang, được liệt kê tên tuổi ở trang "Chân thành tri ân" đầu tờ tạp chí hải ngoại nầy. Rất tiếc là do khuôn khổ bài viết, tôi không thể trích dẫn đôi đoạn gọi là "điểm mặt" cho vui mớ văn chương thơ phú tên bài nói trên.
Sở dĩ tôi nói dài dòng về tờ Đặc san, bởi từ anh Phụng, có cuộc "đối thoại" trực tiếp giữa tôi và anh. Như anh đã nói, do đọc và học nên có am hiểu văn chương, say mê thơ phú và cũng có viết lách chút ít. Nhưng từ ngày sang bên ấy, vì gia đình vợ con lo vật vã kiếm sống, nên chẳng màng chữ nghĩa, thỉnh thoảng có đọc chơi một vài tờ báo sạch sẽ, còn thì xô bồ quá nên không ham. Lần đầu tiên về thăm quê, anh có phần e dè ái ngại nên kiệm lời, cả khi tặng sách trước một người mới quen như tôi.
Nhưng cái hôm tôi hẹn gặp anh tại nhà riêng nhà văn Phan Thị Mỹ Khanh (con gái cụ Phan Khôi, đang sống ở Đà Nẵng, có hồi ký trích đăng trên báo) để biếu anh mấy cuốn sách về Quảng Nam, Đà Nẵng như đã hứa trước khi anh qua lại Cali với vợ con; hơn nữa còn mấy khúc mắc phải tiếp tục hàn huyên lại trở nên rôm rả, cởi mở.
Tôi thấy thích thú, và cần tường tận khi có dịp tìm hiểu về một số người tôi có quen biết khi bắt đầu viết lách ở miền Nam trước năm 1975, hoặc học cùng trường Trung học Trần Quý Cáp, Hội An như Hoàng Quy, Hoàng Lộc, Nguyễn Nho Sa Mạc, Hoàng Thị Bích Ni, Hoàng Yên Xuân, Thái Thị Yến Phương (con gái thi sĩ Thái Can) ... giờ có người đang sống và hoạt động văn học nghệ thuật như Luân Hoán, Thành Tôn, Thái Tú Hạp. Anh hoàn toàn nhất trí với tôi và càng tỏ ra hãnh diện về xứ Quảng mình, khi biết rằng ở bên ấy người ta đang ra sức sục tìm khai thác từ nhiều nguồn để có được tư liệu, bài viết từ trong nước. Họ như những ký sinh, bòn rút những tác giả, tác phẩm tên tuổi, ăn bám vào sự lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ đã và đang cống hiến tài năng, tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng đất nước và sự nghiệp văn học nghệ thuật đang vạn lần tốt đẹp ngày nay. Người ta đang bú mớm, tận hưởng nguồn sữa mẹ ngọt ngào, vắt từ lòng đất, lòng mẹ Việt Nam không tốn một tí trí óc, một đồng đô la nào để có được những trang in ngồn ngộn con người, sự kiện để làm "sang" và nâng tầm giá trị cho mặt báo của họ.
Nếu không có những Nguyễn Văn Xuân (nhà văn, nhà Quảng Nam học) với "Ảnh hưởng của Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, đối với các thế lực yêu nước ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Việt Nam cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX", những trang khảo cứu đầy sức thuyết phục: "... Đi sứ là để ghi chép các văn minh tiến bộ của nước người trong "Tây sứ trình - nhật ký đi Tây", rồi tuyển chọn cho in "Bác vật tân biên - nói về khoa học, thiên văn", "Khái môi yếu pháp - cách khai mỏ", "Hàng hải kim châm - phép đi biển", " Vạn quốc công pháp - luật lệ giao thiệp quốc tế", "Tùng chính di quy - nêu gương cai trị của người xưa". Chỉ cần đọc, ta thấy Phạm Phú Thứ đã cố gắng đến mức nào về việc đưa tư tưởng hiện đại hoá một cách căn bản cho đất nước đổi mới lúc bấy giờ ...
Với Hoàng Diệu, được giới văn nhân Hà Nội ca tụng trong "Hà Thành thất thủ chính khí ca" thì quả thật không ai không thấy cái gương xán lạn của bậc anh hùng mà cái bóng vĩ đại bao trùm cả giang sơn ...”
Những Nguyễn Q. Thắng với "Hương Hải thiền sư", như LTS (lời toà soạn) họ viết: "Một người định cư tại San Jose về thăm gia đình ở Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bắt gặp cuốn sách "Quảng Nam đất nước - nhân vật" có nhã ý trích bài "Thiền sư Hương Hải" gửi đến với mục đích chia sẻ kiến thức phong phú về những nhân vật lừng lẫy của quê hương "Ngũ phụng tề phi". Sau 3 năm tại chức, Thiền sư từ quan về tu hành ở núi Cù Lao Chàm, đạo hạnh của ông được trong triều, ngoài nội thảy đều cảm mộ. Trí tuệ uyên bác của ông đáng xiển dương khắp cùng thế giới như một sự hãnh diện của người Quảng
Những Phan Thị Mỹ Khanh với "Những chuyện đời thường về cha tôi, Phan Khôi", đến 45 trang in, có đoạn: "... Tháng 4 năm 1945, nhận được giấy triệu tập của Trung ương, cha tôi lên đường ra Bắc. Ở Việt Bắc xa cách gia đình 9 năm, năm 1955 cha tôi mới đoàn tụ với vợ con tại Hà Nội. Thời kỳ này ông vui vẻ phấn khởi từ thể xác đến tinh thần đều có nét thay đổi. Cả nhà mừng, mừng hơn hết là cha tôi đã cai nghiện được thuốc phiện từ những năm ở chiến khu, trông người ông khoẻ hơn, da dẻ hồng hào hơn. Tại Việt Bắc ông bị đau dạ dày suýt chết, nhờ có bác sỹ Tôn Thất Tùng cứu chữa kịp thời. Để mừng ông thoát khỏi cơn nguy hiểm, Bác Hồ đã gửi tặng ông một bộ quần áo lụa tơ tằm, ông khoe với vợ con và nói: "Thầy sẽ giữ bộ quần áo nầy làm kỷ niệm, vì đó là tặng phẩm của Bác". Ông còn nói vui: "Căn nhà 51 Trần Hưng Đạo nầy, xưa kia chỉ dành riêng cho vợ chồng Bảo Đại mỗi khi ra Hà Nội, nay Nhà nước bố trí cho thầy với đầy đủ tiện nghi thì thầy có kém gì vua!..."
Những Thi Hảo Trương Duy Hy với "Tôi đi tìm chân dung người phụ nữ Việt
Bà sinh năm 1896, tại Đa Phước, xã Hoà Minh, huyện Hoà Vang (nay thuộc thành phố Đà Nẵng). "... Bà là một trong những người đứng ra tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, rồi vận động bà con đóng góp kim ngân xây dựng nhà thờ cụ Phan tại ngã Năm, Đà Nẵng...", "...Ngoài viết tiểu thuyết, nghiên cứu, khảo luận, bà Huỳnh Thị Bảo Hoà còn cộng tác viết cho các báo Thực nghiệp dân báo, Nam Phong (Hà Nội), Tiếng Dân (Huế), Đông Pháp thời báo (Sài Gòn). Năm 1945, bà tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc Đà Nẵng, vì tuổi già sức yếu bà về sống ở Đà Nẵng, năm 1975, ra Hà Nội thăm bạn bè, đến năm 1982 thì bà qua đời ...".
Rồi những Nguyễn Phước Tương, Tường Linh, Trương Vũ Thiên An, Phương Vân, Đinh Trầm Ca ... quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng, mà họ tìm kiếm sử dụng. Nếu không có những tên tuổi và tác phẩm như thế, thì họ viết gì, nói gì hết số nầy đến số khác. Tôi không trích dẫn thêm, chừng ấy cũng đã hình dung trăm sông cũng đón nhận từ nguồn; cành lá sum suê, hoa trái ngọt ngào cũng nhờ từ gốc rễ sâu bền màu mỡ. Không có quê hương làm chỗ dựa tinh thần, đối với họ chỉ là cuộc sống tha hương lơ lửng vô hồn, văn chương thơ phú của họ cũng chỉ là những hồi ức mơ hồ và việc khoa trương hồ đồ của họ là ảo tưởng xa vời.
Còn anh thì có sự quả quyết, vì anh có hơn 30 năm sống trong cuộc cộng đồng người Việt, đủ cảm nhận vui buồn và âm thầm phản ứng trước những hoạt động xô bồ của một số bồi bút, như tôi từng nghe và bắt gặp.
Anh Phụng,
Tết này anh không về. Mùa Xuân ở quê nhà năm nào cũng xôn xao, rực rỡ tràn ngập cảnh vật và lòng người. Chuyện vãn giữa tôi và anh vẫn còn tươi nguyên như cách đây 365 ngày, từ đầu Xuân 2008, Mậu Tý, nay đã là đầu năm 2009, Kỷ Sửu, tôi chưa quên câu hỏi trong thư anh có nhắc: "Ở quê mình, thành phố mình cái gì là ấn tượng, là dấu ấn nhất?".
Có cuộc đua, cuộc thi thố nào đâu, vì thế không có khái niệm nhất, nhì. Nhưng tôi chợt nghĩ, chúng ta đang nói với nhau về văn học nghệ thuật, báo chí, cũng có nghĩa đang nói về con người, cung cách, vóc dáng, bộ mặt kinh tế văn hoá xã hội ở cái thành phố này. Tôi có theo dõi và cả trực tiếp tham gia vào một số lĩnh vực hoạt động trong năm như sáng tác truyện ký, nhiếp ảnh, hội hoạ, âm nhạc, ca dao dân ca, hò vè và hội diễn nghệ thuật quần chúng. Từ văn nghệ sĩ, công chức, quân nhân , đến người lao động bình thường, như một lẽ tự nhiên của nhận thức và rung động trước muôn mặt vận động của hiện thực đời sống, xã hội, họ đã bày tỏ xúc cảm và ca ngợi cái có được ngày hôm nay mà ngày xưa, hay cách đây 30 năm không có.
Đó là nguồn cội truyền thống cách mạng, truyền thống làm người, làm chủ vận mệnh xứ sở mình. Là sự phá bỏ tự ti, mặc cảm, an phận chờ đợi, mà vượt thoát để vươn tới ước mơ khát vọng đổi đời. Là sự táo bạo dám nghĩ dám làm của những người lãnh đạo thành phố trước khó khăn thách thức và sự đồng thuận cả tinh thần lẫn vật chất của cộng đồng nhân dân thành phố. Là quyết sách của Đảng và Nhà nước biết nhìn xa trông rộng về sự nghiệp xây dựng "Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ văn minh" cho dân tộc và đất nước, mà Đà Nẵng là một điểm sáng, thành phố trung tâm về kinh tế, văn hoá, du lịch, dịch vụ, đòn bẩy kinh tế của khu vực miền Trung, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Anh Phụng,
Tôi viết sâu về kinh tế trở nên lúng túng, khó khăn. Nhưng các nhà khoa học, nghiên cứu trong nước và nước ngoài, một số nguyên thủ các quốc gia, các nhà doanh nghiệp, đối tác lớn, du khách và giới văn nghệ sĩ, báo chí cũng đã tới đây, bằng sự nhạy cảm trực diện và chiều sâu tri thức họ đã nói và viết, cả hội thảo, toạ đàm hoạch định đến một tương lai không xa về Đà Nẵng văn minh, hiện đại trong thế kỷ XXI.
Anh về thành phố thấy cái gì cũng lạ, đi trước thiên hạ, "nhất" về những cây cầu, những nhà cao tầng, về những con đường như bàn cờ; bờ biển và núi cao nghỉ mát, về những ngôi trường đại học, trường chuyên Lê Quý Đôn, Công viên phần mền tin học, chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" sử dụng nhân tài; về chủ trương quyết sách có một không hai "5 không", "3 có"; giải thưởng văn học nghệ thuật Đà Nẵng 5 năm một lần, cả lễ hội pháo bông... cũng là sự kiện văn hoá đặc biệt "nhất". Đó là điều có thật, anh chứng kiến, ngỡ ngàng, còn theo tôi những điều tiên quyết cốt lõi trên đây mới là "Cái nhất đầy ấn tượng", mang tính lịch sử, dấu ấn ở tầm tư duy thời đại của con người Đà Nẵng, nội lực Đà Nẵng được biết đến trong chiến công đánh giặc, nay "lột xác" để trở thành thành phố có dáng dấp hiện đại về nhiều phương diện.
Chúng ta có quyền hy vọng và tự hào! Và bất cứ những ai sống xa Tổ quốc, xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn Đà Thành cũng đã và đang tìm về, kể cả trong ký ức. Rồi họ sẽ bắt gặp hiện thực lịch sử đổi đời nơi xứ sở nầy, như anh đã được chậm rãi thả từng bước chân trong ráng hồng bình minh, trong chiều xuống êm đềm và trong phố đêm mộng ảo thanh bình năm rồi. Anh có quá nhiều kỷ niệm.
Anh Phụng,
Cũng ở trang đầu những cuốn sách, tờ báo, tạp chí Xuân tôi trang trọng đề tặng anh, nhân ngày đầu năm từ quê nhà trong niềm vui khó tả. Khi những ấn phẩm tinh thần "Thành phố 5 ngọn núi", tập văn thơ của nhiều tác giả, "Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế" của Nguyễn Q. Thắng, "Người lính đi đầu", trường ca của nhà thơ Thanh Quế, "Văn hoá văn nghệ dân gian đất Quảng", nhiều tác giả, "Nghỉ dọc Sông Hàn", tiểu luận của Th.sĩ Bùi Văn Tiếng, "Cây dừng thiêng", tiểu thuyết của Đỗ Xuân Đồng, "Sông cạn đá mòn", tản văn, hồi ức, ký sự của Hoàng Hương Việt và các tờ báo Xuân 2009 "Đà Nẵng", " Đà Nẵng ngày nay", tạp chí "Non Nước", và tấm ảnh nghệ thuật "Văn hoá Việt” của Minh Thạnh - chút quà Tết, thứ mà anh yêu thích và mong đợi đến tay anh, thì mùa Xuân Kỷ Sửu, 2009 đã ra Giêng, nhưng vẫn còn lãng đãng, náo nức, tràn ngập quê mình...
Bởi vì một năm bắt đầu từ mùa Xuân...! ./.
HOÀNG HƯƠNG VIỆT