Những mẩu chuyện về Bác Hồ

06.02.2009

Những mẩu chuyện về Bác Hồ

Đêm giao thừa đầu tiên

sau ngày toàn quốc kháng chiến

Đầu năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu chưa được hai tháng. Ngày tết cổ truyền của dân tộc ta năm ấy, Bác Hồ vẫn làm việc như mọi ngày và vẫn ăn ngày hai bữa cơm độn sắn, như bữa ăn bình thường của một gia đình nông dân nghèo Việt Nam.

Đến cuối năm âm lịch, trời se se lạnh, mưa phùn không ngớt. Buổi sáng ngày 30 Tết, Bác Hồ vẫn tranh thủ thời gian, ngồi đọc tài liệu. Buổi chiều, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ. Sau khi họp xong, Bác lên xe đi đến đài phát thanh để kịp đọc lời chúc mừng năm mới gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài.

Lúc bây giờ, đài phát thanh đặt ở chùa Trầm (nay thuộc huyện Chương Mĩ, tỉnh Hà Tây). Trời tối, gió rét, đường lầy lội, nhưng không quản vất vả, Bác vẫn quyết tâm đi cho kịp trước giao thừa. Có lúc xe của Bác bị ngập bùn quá nửa bánh.

Đến gần 12 giờ đêm, trong lúc mọi nhà chuẩn bị đón giao thừa, mừng năm mới, đang quây quần sum họp bên bàn thờ tổ tiên thì Bác cũng vừa đến đài phát thanh. Bác vui vẻ thăm hỏi mọi người rồi đi thẳng lên đài, đọc lời Chúc mừng năm mới. Giọng của Bác âm vang, qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đến mọi nhà, mọi người. .

Sau khi đọc xong, Bác lên xe trở về nhà. Xe chạy đến một nơi cách chỗ ở chừng hai ki-lô-mét thì bị sa lầy, không chạy được nữa. Bác và anh em cùng nhau đi bộ dưới trời mưa rét đêm 30 Tết ấy.

Đến 3 giờ 30 phút sáng ngày mồng một Tết, Bác mới về đến nơi ở.

Hôm sau, Bác trở dậy làm việc như thường, để tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

 
Cây xanh bốn mùa

Bác Hồ rất nhạy cảm với sự vất vả của nhân dân. Tìm hiểu cụ thể đời sống của nhân dân, của những người lao động là một nếp làm việc quen thuộc của Bác. Một hôm Bác gọi chú Vũ Kỳ đến và nói:

- Có những đêm nằm nghỉ, nghe thấy tiếng chổi tre quét đường phố rất khuya, Bác nghĩ rằng các cô chú công nhân quét đường vất vả lắm, nhất là những đêm đông giá lạnh. Chú thử tìm cách điều tra thật cụ thể rồi nói lại cho Bác biết.

Vâng lời Bác, một đêm nọ, chú Kỳ lững thững dạo theo hè phố từ lúc người công nhân bắt đầu làm việc cho đến lúc dừng tay. Một tối làm việc như vậy họ phải đi đoạn đường khá dài, làm việc thầm lặng mà không kém phần vất vả.

Câu chuyện công việc của người công nhân quét đường đêm đông được báo cáo lại với Bác rất tỉ mỉ.

Nghe chú Kỳ nói, Bác suy nghĩ hồi lâu rồi bảo:

- Chú nhớ nhắc những cơ quan có trách nhiệm phải có chế độ cấp phát quần áo bảo hộ lao động để bảo vệ sức khỏe cho các cô, các chú ấy và nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp phải quan tâm đúng mức đến anh chị em làm nghề này.

Thời gian trôi qua...

Lần ấy, Bác đi sang thăm nước bạn. Vào dịp mùa đông lạnh giá, hầu hết cây cối đều trụi lá. Người nhìn thấy có một loài cây vẫn xanh tốt. Bác hỏi cán bộ nước bạn về loài cây này và được biết đây là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi.

Người quyết định đưa giống cây ấy về Việt Nam trồng. Bác giao cây đó cho người làm vườn và nói:

- Đây là loại cây mùa đông ít rụng lá. Chú trồng thử xem, nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả, đỡ tốn công của anh chị em công nhân quét đường.

Cây xanh ấy, ngày nay vẫn còn sống trong Phủ Chủ tịch, gần nhà sàn của Bác. Không rõ tên khoa học của loài cây ấy là gì, anh chị em vẫn thường gọi là "Cây xanh bốn mùa".

 
Bác Hồ đi chợ Tết

Vào những năm sáu mươi của thế kỉ XX có lần Bác đề xuất với đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an bố trí để Bác đi thăm chợ Đồng Xuân, một chợ to, đẹp nhất Hà Nội, là chợ đầu mối bán buôn duy nhất của Thủ đô thời ấy. Vào dịp tết Nguyên đán, khu vực chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, nhân dân các tỉnh dồn về kẻ bán, người mua rất đông. Vì thế việc bố trí để Bác đi chợ tết Đồng Xuân cứ lần lữa mãi.

Đến sáng ngày 24 tháng 1 năm 1963, tức là ngày ba mươi Tết âm lịch, Bác hóa trang như một cụ già được con và cháu đưa đi chợ tết.

Chương trình đi của Bác chỉ kéo dài một giờ, với hành trình như sau : từ đường Nguyễn Thiệp, Bác vào chợ Đồng Xuân, thăm, xem các dãy hàng xong, đi ra cổng trước đến phố Hàng Mã xem chợ hoa sau đó đi ra nơi quy định lên xe về Phủ Chủ tịch.

Xem xong trong chợ Đồng Xuân, trên đường đi thăm chợ hoa, Bác bỗng ngồi xuống một hàng hoa huệ. Các chiến sĩ cảnh vệ hoảng hốt lo Bác ngồi lâu chọn mua hoa dễ bị lộ. Đồng chí Xoàn bèn ngồi xuống ngay bên cạnh Bác, vén tay áo lên, để chiếc đồng hồ đeo tay lộ ra cho Bác biết đã quá giờ, còn anh Xoàn hỏi giá nhưng chỉ trả một phần ba. Chị ta quay sang, anh Xoàn bèn trả thêm. Nhờ đó mà chị bán hoa và mọi người xung quanh không phát hiện ra Bác. Sau đó bác cháu đứng lên ra về. Dọc đường, Bác nói nhỏ: "Đi chợ mà trả giá rẻ như chú Xoàn thì đi cả ngày cũng chẳng mua được gì".

 
Đây là cánh cửa hòa bình

Đêm đó, Bác Hồ rời Thủ đô Niu Đê-li (Ấn Độ) bằng xe lửa đặc biệt để thăm thành phố Bom Bay. Đông đảo đại diện ngoại giao các nước và quần chúng Thủ đô Ấn Độ ra tiễn Bác. Các thành viên của đoàn ta lên các toa trước để khi Bác đến là tàu có thể chuyển bánh được ngay. Bác đến, rồi đi chào các đại diện ngoại giao đang xếp hàng ngang trong phòng khách của nhà ga. Khi ra sân ga chỉ có Bác, Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru và ông Vụ trưởng Vụ lễ tân của Ấn Độ. Bước đến toa dành riêng cho Bác, Bác không vào ghế ngồi ngay mà đứng lại ở cửa, nói một vài câu chuyện với Thủ tướng Nê-ru. Khi còi tàu nổi lên báo hiệu tàu sắp chuyển bánh, Thủ tướng Nê-ru thân mật và ân cần nói với Bác:

- Chủ tịch hãy cẩn thận, tàu sắp chuyển bánh đó.

Tươi cười và rất hiền hoà, Bác Hồ nói với Thủ tướng Nê-ru:

- Ông bạn thân mến cứ yên tâm, đây là cửa của hòa bình.

Nghe Bác nói, Thủ tướng Nê-ru cười vui vẻ, cảm kích và trả lời Bác:

- Thưa Chủ tịch, cửa hoà bình luôn luôn rộng mở.

Câu chuyện rất thân mật này giữa hai người đứng đầu hai quốc gia, đồng thời cũng là hai người bạn yêu chuộng hoà bình, luôn đấu tranh cho hoà bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, đã làm cho các nhà báo Ấn Độ và nước ngoài có mặt hôm ấy rất chú ý.

Sáng hôm sau, các báo lớn của Ấn Độ đăng lại cuộc đối thoại lí thú này và làm cho dư luận vô cùng chú ý. Nhiều báo nhắc lại câu nói của Bác: Đây là cánh cửa của hòa bình.