Xuân trong tâm tưởng sắc Trường Tân
Trong bài “Cáo tật thị chúng” Lý Trường, đạo hiệu Mãn Giác thiền sư khẳng định tình xuân trước thời gian và tuổi già: “Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến, trăm hoa tươi/ Già trên đầu kéo tới/ Việc trước mắt qua hoài/ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Ngoài sân đêm trước một cành mai.
Bài “Ngày xuân có cảm” của Trần Quang Khải toát lên khí phách của một vị dũng tướng: Mưa như tơ trắng điểm hoa mai/ Mê sách cài song sững sững ngồi/... Dũng khí xưa sao giờ cũng vậy/Làm thơ quật ngã gió đông chơi.
Bài “Buổi sớm mùa xuân” của Trần Nhân Tông đượm vẻ hồn nhiên thanh thoát của vị Tổ sư thiền phái Trúc Lâm (Yên Tử): Ngủ dậy hé rèm gai/ Xuân về mà chẳng hay/ Một đôi bươm bướm trắng/ Phấp phới lướt hoa bay.
Qua bài “Không đề”, Huyền Quang Lý Đạo Tái lại khắc họa một bức tranh xuân không lời: Đôi tám xuân xanh thêu chậm chậm/ Dưới hoa kinh tía hót hoàng ly/ Xót thay bao xiết thương xuân ý/ Ấy lúc dừng kim chẳng nói gì.
Với bài “Sóng Bạch Đằng”, Trần Minh Tông gợi nhớ chiến công hiển hách diệt giặc: ... Đôi tròng kim cổ tranh sông núi/ Một thoáng hơn thua chuyện Việt Hồ/ Mặt nước lềnh bềnh tàn ráng đỏ/ Tưởng lầm máu giặc vẫn chưa khô.
Bài “Chiều dạo đồng xuân” của Nguyễn Tử Thành mang lại hương vị thanh bình: Hoa trại điểm xuân đây đó thắm/ Cây đồng tiếp núi dọc ngang xanh/ Người say cảnh đẹp thơ ngâm ngợi/ Trăng hé mây thưa bóng rập rình...
Phạm Đình Hổ lại “Cảm nhớ chuyện cũ”: Năm ngoái hoa đào nở/ Cô gái học cài trâm/ Năm nay hoa đào nở/ Cô đã đi lấy chồng...
Nguyễn Hành luôn hướng tới lẽ công bằng: Chớ bảo cảnh nghèo hoa hiếm theo/ Hoa nở không phân mảnh đất nghèo/Nên biết Công bằng - cân tạo hóa/ Lúc nào, đâu cũng nở tươi đều.
Bài “Xuân” của Vương Sư Bá như lắng đọng suy tư: Sân trưa im bóng liễu tơ bay/ Trướng rủ rèm che én ngủ say/ Rỗi tựa lan can suy lẽ vật/ Nhìn qua hình sắc thầy lòng trời.
Bài “Én Xuân" của Đỗ Cận cho thấy lòng người xao động trước cảnh xuân: Ngoài sân gió thoảng trúc la đà / Hiên vẽ, bùn thơm kín tổ tha / Ngày lặng bên song người vắng bóng/ Lòng xuân khêu gợi trước chiều tà.
Nhân “Ngày đầu năm", Lê Cảnh Tuân nói lên tâm sự kẻ lưu lạc nơi đất khách: Đất khách còn nấn ná / Xuân năm ngoái đã về/ Bao giờ mình trở lại / Già hết gốc mai quê!
Với Lê Quang Viện, “Đêm xuân” thật quý giá:... Trăng xích bóng hoa vào trước chén / Gió nghiêng tơ liễu đến bên bàn / Giữa trời giọt ngọc canh gần sáng/ Một khắc đêm vui giá đáng ngàn.
"Buổi sớm mùa xuân” của
Đến Nguyễn Trãi, "Bến Xuân đầu trại" là cả một bức tranh xuân đồng nội: Bến xuân như khói cỏ xanh tươi / Thêm có mưa xuân nước vỗ trời / Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách / Con đò gối bãi suốt ngày ngơi. Và cảnh cuối xuân lại được phác họa qua mấy nét: Phòng văn khép chặt suốt ngày nhàn / Ngoài ngõ chẳng qua một khách phàm / Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn / Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan (Cuối Xuân tức sự).
Nguyễn Như Đổ già lão cũng thúc ngựa chơi xuân: Oanh hót hoa cười tiết Tháng Ba / Chơi xuân toàn lứa tuổi xuân tơ/ Cười mình đầu bạc thân già cũng / Thúc ngựa gầy chen đám bụi mờ (Ngày xuân tức sự).
“Ngày xuân thăm bạn không gặp”, Đào Công Soạn vẫn vui vẻ đề thơ: Dò bước khe trong bụi rậm lần / Cát khô bùn ẩm cỏ hoa dăng / ... Đôi vần tạm gửi lên tàu chuối / Để bạn về xem dưới ánh trăng.
Bài "Vần xuân" của Thái Thuận cho thấy cảnh xuân cũng xao động lòng thơ: Oanh hót phòng riêng tỉnh giấc nồng / Cách tường vọng lại tiếng ngoài song / Lòng người đâu giống lòng hoa cỏ / Chực hé môi cười với gió đông.
Với bài “Ngày xuân kể chuyện trước mắt", Nguyễn Bảo không đành lòng làm ngơ trước cảnh "Đất khó gieo trồng vì chất kém": Trọ mái chùa hoang giữa nội này / Xuân sang mà cảnh vẫn buồn thay / ...Ngồi ôm chồng sách nghe chim cốc / Muốn đến già thôn học cấy cày.
Ninh Tốn từng có bài "Đầu xuân ngẫu hứng” : ...Đông trả khí băng về ruộng nội / Xuân đem vẻ đẹp điểm sơn hà / Êm tràn vườn ngự mai khoe nụ / Ấm lọt phòng văn bút nở hoa... Cảnh “Chiều xuân ở núi" đối với nhà thơ cũng rất thú vị: Oanh toan gõ phách rừng cây ẩn / Ve thử reo đàn cửa động chơi / Cành kết hạt châu hoa nảy quả / Mo ôm trâm ngọc trúc đâm chồi ...
Nguyễn Du có cả một chùm thơ xuân, hầu hết là ngẫu hứng. Bài "Ngày xuân ngẫu hứng" vời thương quê cũ: ...Đất khách người cùng năm cũ biệt / Xứ Quỳnh xuân tự chốn nào sang? / Vời thương sắc cỏ lòng quê cũ / Để lộ cành mai ý Chúa Xuân... "Đêm Nguyên tiêu ở Quỳnh Hải” cũng khá ngậm ngùi: ... Non Hồng tan tổ rẽ bầy / Ngậm ngùi đầu bạc tháng ngày trôi qua / Đường cùng thương bấy trăng xa/ Ba mươi năm dõi theo ta bên trời. Bài “Tiết Thanh minh ngẫu hứng" cũng đượm buồn: Gió xuân sớm tối động Giang Thành / Người tự buồn thương cỏ tự xanh / Xuân đẹp có thân đâu trẻ mỏ / Trời xa không rượu đón Thanh minh... Bài “Cuối xuân cảm hứng”, nỗi buồn càng mông lung: ... Thời tiết khác chi thoi én liệng / Công danh trần thế cánh chim bay / Hữu hình vòng ấy thân không thoát / Chưa chết, ngàn năm chuyện dễ khuây!...
Thơ Cao Bá Quát luôn mang tứ mới. "Ngày Mồng Một Tết” buồn rượi với những chuyện cúng đơm, khách khứa, vẫn tiềm ẩn thanh sắc mới: ... Chim lắng cây chiều thanh giọng hẳn / Tùng trông sân lạnh đẹp màu ra / Từ đây muôn việc đều thay mới / Chắc hẳn người quê bỏ thói xưa. Ngắm nhìn nắng mới đầu xuân, nhà thơ mong ước: Hôm trước xuân về đuổi rét đông/ Sáng nay nghìn tía sánh muôn hồng / Việc đời ước được như hoa ấy / Mưa gió tan rồi rạng núi sông ("Nắng mới sau hôm lập xuân một ngày"). Bài "Đêm xuân đọc sách" cũng đầy suy tư: Người nay chẳng thấy xuân xưa / Xuân nay đối diện người xưa bùi ngùi / Việc đời nay chốc xưa rồi/ Nhận hư làm thực nhìn đời lơ mơ/ Lợi danh chỉ một cơn mưa/ Anh hùng cũng đám bụi mờ mà thôi/ Cười mình chưa dứt thói đời/ Gần đây mê sách chẳng rời sách ra. Ngay chuyện "Trồng mai" bằng hạt giống lành cũng tràn đầy hy vọng: Thử vãi lên non hạt giống lành / Nắm mai thanh tú gửi non xanh / Nhớ rằng mai mữa màu xuân đẹp / Cho mọi người chung ngắm bức tranh.
Bài "Sớm xuân thức dậy" của Nguyễn Văn Siêu đầy háo hức trông chờ hoa nở:... Chủ tốc chăn vùng dậy / Hầu reo: Hoa nở rồi! / Khí đêm vương khóm trúc / Ánh nắng dỡn cành mai...
"Cảm tác nhân ngày Nguyên đán" tiễn bạn, Đặng Huy Trứ viết: Sân Bắc lòng quê ôm gốc tử/ Suối
Bài "Tết Nguyên đán ở đất khách" của Nguyễn Khuyến đượm nét buồn: ... Đồng xanh tít tắp nghìn thôn / Ấp hai tay áo thu dồn khí dương / Lại lui, dinh lặng, rèm buông / Bên hoa tựa ghế lòng suông suông tình... Trong “Đêm xuân thương con thiêu thân", nhà thơ liên tưởng đến không ít người quay cuồng theo danh lợi: Lông cánh khen mày phận nhỏ nho / Gieo mình chỗ sáng chết yên cho / Ví bằng thảng thốt không gay lắm / Mà hễ chần chừ có dễ mô! / Trời phú tri năng chưa mất hẳn / Đời đua danh lợi chẳng vương vô / Giết mày mà vẫn thương mày đó/ Ngọn nến thiêu tàn lệ chửa khô. Trong "Ngày xuân" (bài 2), nhà thơ viết: Giậu trúc mưa mù chếch nửa đan / Giường mây lưu luyến cảnh xuân tàn / Trẻ bên dậy sớm nghê nga học / Chim chợt bay qua vẳng một làn / Thơ đến khi cùng thanh thoát hẳn / Việc nhờ hơi rượu nhiệt nồng hơn / Tuổi già chi ngại thưa bè bạn / Bành Trạch thân nhau với chiếc đàn. Trong bài “Đêm Ba mươi Tết", Nguyễn Khuyến giãi bày tâm sự: Hết đêm nay là sang năm / Là thành ông lão năm lăm đó mà/ Biết chi đầu bạc thêm ra / Chỉ hay đôi mắt năm qua đỏ ngầu / Rạng mai, ai đón Xuân đầu / Đêm nay trăm mối lo nghèo tạm quên / Trầm ngâm chuốc chén dưới đèn / Một câu thi hứng nối liền hai năm. Trong "Ngày xuân dạy con", nhà thơ chỉ căn dặn trước sau mấy lời: ...Áo cơm những nặng mang ơn Chúa / Nghiên bút càng gay nối nghiệp nhà / Biển học lông bông, ngừa chuyện ấy / Nhà nho đói rét ngại gì a?/ Đường xa lòng vẫn theo con mãi / Đọc kỹ bên đèn mấy ý cha . Khi con đã trưởng thành, nhà thơ lại khuyên con: Ta đã từ quan, con lại quan / Làm quan biết cách, khó vô vàn/ Danh cao sợ lấn lòng ngay mất/ Nhà khó nên làm chức nhỏ hơn / Công việc ngày nào ngày ấy liệu / Khoan dung một chút, một phần ơn / Con đi, mượn gió xuân này tiễn / Làm thuốc ôn hòa để tặng con (“Ngày xuân khuyên con là Hoan").
Trong bài "Ngày xuân ngẫu hứng”, Ngô Thế Lân bày tỏ quyết tâm về quê ẩn, nhằm thoát vòng danh lợi: Vứt hết phù danh mới thực là / Khỏi nghèo, tre nước sống qua loa / Đồng mai không gió, vươn cao khói / Cây núi đằm sương nở thắm hoa / Đối khách chuyện tràn ba tấc thoắng / Gặp Xuân rượu đậm bội phần ra / Ví không ai đến chung vui ấy / Bạn với hươu nai cũng thú mà!
Với bài “Vịnh cảnh Xuân tạnh ráo”, Đoàn Nguyễn Tuấn thầm phục tài tạo hóa: Xuân tạnh, muôn nơi báo / Mưa xuân thấm lá cành / Líu lo oanh hót ngọt/ Phấp phới bướm bay nhanh / Nắng ấm hoa như gấm / Khí hòa cỏ rủ xanh/ Tựa song thầm ngắm nghía/ Thấy được hóa công tình.
Trong "Bài từ Mùa Xuân", nữ sĩ Ngô Chi Lan miêu tả cảnh sắc xuân nồng: Hun người nắng mới trời xây xẩm/ Lầu các ánh xuân tràn khí ấm / Cách rèm tơ liễu dệt thoi oanh / Quanh giậu nhụy hoa luồn cánh bướm / Bóng nắng dài ra ở trước thềm / Mồ hôi phấn dấp thấm màu xiêm/Trẻ con đâu biết sầu xuân đó / Xô tới bên giường cười ngả nghiêng.
Nhân đọc và dịch Thơ Xuân cổ, cố thi sĩ họ Khương viết nên bài thơ "Cầm xuân” : Hoa nở mười cây chín rụng dần / Ước như cái nhện được cầm xuân / Đan tơ để hứng hoa bao cánh / Thưởng cảnh còn cho khách có lần /Xuân đến Thanh minh mùa dẫu vãn / Xuân trong tâm tưởng sắc trường tân.