Bộ lược thảo lịch sử văn học Việt Nam được nhóm Lê Quý Đôn (Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Lê Thước) biên soạn, do nhà xuất bản Xây Dựng in năm 1957 tại Hà Nội. Bộ lịch sử văn học này gồm ba quyển: Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Tập I, Từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XV)(1), Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Tập II, Từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX)(2) và Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Tập III, Từ giữa thế kỷ XIX đến 1945).(3) Như thế, bộ lịch sử văn học này phác thảo tiến trình phát triển của lịch sử văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến 1945.
Bố cục nội dung của bộ lịch sử văn học này như sau: Tập I, tiếng nói và chữ viết Việt Nam, văn chương truyền miệng và văn học viết thời kỳ từ thế kỷ XIII đến hết thế kỷ XV. Tập II, văn học từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX được chia làm sáu phần và phần mở đầu, phần phụ sau cùng. Tập III, văn học từ giữa thế kỷ XIX đến 1945.
Trong quan niệm biên soạn, nhóm Lê Quý Đôn đưa ra những bất cập trong thực tiễn biên soạn lịch sử văn học và những lý do biên soạn của mình. Vào những năm 50 của thế kỷ XX, nhóm Lê Quý Đôn thực sự băn khoăn và đặt ra vấn đề liệu “chúng ta đã có một quyển lịch sử văn học Việt Nam chưa?” Những công trình viết về văn học Việt Nam trước đó, “vì quan niệm đối tượng của văn học chưa chính xác, phương pháp trình bày chưa thích hợp, cho nên những tài liệu đó chưa ứng đáp với yêu cầu một quyển lịch sử văn học Việt Nam” [I, tr.3]. Những thiếu sót về tư liệu, và những giai đoạn của văn học dân gian chưa được biên soạn, vẫn là khoảng trống trong quá trình nghiên cứu văn học Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải đợi đến khi có đầy đủ tư liệu chúng ta mới viết một quyển lịch sử văn học Việt Nam đầy đủ đến một mức độ nào đó. Việc biên soạn ngay lúc này một bộ lịch sử văn học sẽ có hai lý do ra đời. Thứ nhất để giới thiệu kho tàng văn học dân tộc quý giá, lâu đời và phong phú cho quảng đại nhân dân, giúp họ hiểu biết và yêu quý tinh hoa của dân tộc. Thứ hai để giới thiệu nguồn tư liệu đầy đủ và có hệ thống về nền văn học Việt Nam cho nhân dân thế giới. Động cơ này đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu biên soạn và xuất bản Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam.
Đồng thời “quyển sách này là kết quả đầu tiên của việc nghiên cứu cá nhân và xây dựng tập thể sau một quá trình giảng dạy và phê bình văn học nhiều năm” [I, tr.4]. Trong ý niệm biên soạn, nhóm Lê Quý Đôn đã vận dụng trí tuệ tập thể để bổ khuyết những thiếu sót, tranh thủ những ý kiến khác để có một bộ lịch sử văn học đầy đủ hơn.
Về phương pháp trình bày, các soạn giả đã khái quát trình bày về văn học truyền miệng, nhưng chưa có ý trình bày văn học truyền miệng theo từng thời kỳ phát triển của lịch sử văn học dân tộc như Ban Văn Sử Địa. Cách trình bày văn học viết qua các phần, chương mục rõ ràng. Sau mỗi phần khái quát là những tác gia, tác phẩm tiểu biểu, rồi đến những tác phẩm vô danh. Phần văn học chữ Hán chỉ được khái quát trong phần phụ, tách khỏi phần chính của bộ sách. Lấy tiêu chí thế kỷ, lồng vào các tiêu chí ngôn ngữ văn học, tiêu chí về tác gia, tác phẩm lớn; các soạn giả đã thống nhất một quan niệm văn học sử từ đầu đến cuối bộ sách.
Về quan niệm văn học và văn học sử, các soạn giả đã thể hiện quan điểm về lý thuyết lịch sử văn học tương đối có chủ định như lập trường tư tưởng chung, khái niệm văn học, lịch sử văn học, đối tượng được tái hiện của lịch sử văn học, quan niệm phân kỳ, thể loại văn học, tác gia, tác phẩm lớn… Bộ lịch sử văn học này được các soạn giả viết dựa trên lập trường tư tưởng Mác-xít, nổi bật là quan điểm lịch sử. “Nhận định một thời kỳ, một nhà văn, một tác phẩm, lúc nào chúng tôi cũng chú trọng đến bối cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế, nhân tố xã hội quyết định thời kỳ đó, nhà văn đó, tác phẩm đó” [I, tr.8]. Văn học là một hình thái ý thức xã hội, chịu quy định bởi cơ sở hạ tầng và tương quan với các hình thái ý thức xã hội khác. Tuy vậy, văn học cũng có tính độc lập tương đối. Trong đó, văn học có các tính phản ánh, tính giai cấp, tính nhân đạo, tính dân tộc, tính tích cực, tính đấu tranh trong mỗi một nhà văn, trong các tác phẩm.
Các nhà văn học sử này quan niệm “Văn học theo nghĩa hẹp là văn chương và lịch sử văn học là lịch sử văn chương như ở các nước người ta hiểu những danh từ đó” [I, tr.3]. Khảo sát sâu hơn quan niệm về văn học và đặc trưng văn học, họ cho rằng: “Văn học là một hiện tượng xã hội, đồng thời cũng là sản phẩm hoạt động tinh thần của con người. Nó dùng ngôn ngữ để biểu hiện cuộc sống, phản ánh đấu tranh giai cấp, ghi lại tư tưởng và tình cảm, những đắm say và những ước vọng của con người” [I, tr.5]. Văn học khác các lãnh vực khác ở đặc tính ngôn ngữ nghệ thuật và phương thức biểu hiện bằng hình tượng qua tính chất hình ảnh và tính chất điển hình. Do vậy, những tác phẩm văn học được lựa chọn đều phải mang đặc trưng đó. Như thế, những tác phẩm của lịch sử, chính trị, triết học, tôn giáo được các nhà văn học sử trước đó liệt vào diện đối tượng của văn học sử thì nay đã bị khước từ, do “vượt ra ngoài phạm vi của văn học”. Còn khi định nghĩa văn học sử, họ cho rằng đây là “bộ môn nghiên cứu sự phát triển văn học trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, tìm hiểu những sáng tác văn học, đánh giá các tác phẩm văn học của các thời đại...” [I, tr.5].
Đối tượng được tái hiện chính của lịch sử văn học là các tác phẩm văn học tiêu biểu của dân tộc. Mỗi tác phẩm văn học luôn luôn có sự tương quan với các tác phẩm khác trong cùng giai đoạn và toàn bộ lịch sử văn học dân tộc. Trên cơ sở đó, bộ lịch sử văn học phải có được cái nhìn tổng quát về quá trình phát triển, đặc điểm của từng giai đoạn và toàn bộ lịch sử văn học dân tộc. Đây là quan niệm tổng quan trong phương pháp viết lịch sử văn học đi từ những hiện tượng cụ thể để tổng quát đặc tính của lịch sử văn học.
Đặc biệt, trong các bộ phận văn học, họ “không coi các thơ văn viết bằng chữ Hán của ta là những tác phẩm văn học thuần tuý dân tộc, (...) chỉ có những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ dân tộc mới hoàn toàn là những tác phẩm văn học dân tộc” [106, tr. 6]. Quan niệm này khiến cho cách trình bày bộ phận văn học chữ Hán thiên về nội dung tư tưởng mà không đi sâu vào hình thức nghệ thuật, và chỉ đưa chúng vào phần phụ của mỗi thời kỳ văn học. Đến nay, quan niệm này ít được các nhà văn học sử chấp nhận, vì chúng đã tước mất một bộ phận văn học quan trọng và chiếm số lượng không nhỏ trong nền văn học Việt Nam.
Quan niệm phân kỳ văn học ở đây cũng chịu chi phối bởi quan niệm lịch sử của chủ nghĩa Mác và phản ánh luận của Lê-nin. “Đã nhận rằng văn học là phản ánh đời sống xã hội thì phải nhận thấy rằng những sự kiện lớn trong đời sống xã hội, trong lịch sử dân tộc có tác dụng quyết định lịch sử văn học” [I, tr.7]. Như vậy, đây cũng là quan niệm chia lịch sử văn học từ tiêu chí bên ngoài văn học, tiêu chuẩn lịch sử xã hội. “... đối với lịch sử văn học, những sự kiện lịch sử có tác dụng rõ rệt hơn là bản thân những sự kiện văn học” [I,tr.8]. Trên cơ sở đó, những mốc lớn của lịch sử phát triển văn học Việt Nam được xác định dựa vào những quan điểm trên gồm có thế kỷ XIII, thế kỷ XVI, giữa thế kỷ XIX và năm 1930. (Vào thế kỷ XIII, dân tộc ta chiến thắng quân Nguyên nên ý thức dân tộc càng phát triển. Vào thế kỷ XVI, xã hội trở nên mục nát do sự suy đồi của chế độ phong kiến. Giữa thế kỷ XIX diễn ra cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Năm 1930 đánh dấu mốc ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Những sự kiện lịch sử đó đã tác động trực tiếp đến những chiều hướng sáng tác khác nhau). Sau cùng, căn cứ các mốc lịch sử lớn này, các soạn giả chia văn học viết Việt Nam ra bốn thời kỳ: Thời kỳ I, văn học từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV; Thời kỳ II, văn học từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX; Thời kỳ III, văn học từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1930; Thời kỳ IV, văn học từ 1930 đến 1945. Còn văn học truyền miệng xưa và nay, do không thể xác định rõ thời điểm xuất hiện trong thời đại nào, nên các soạn giả không phân chia thời kỳ văn học đối với bộ phận văn học này.
Ngoài ra, các soạn giả Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam đã bước đầu có những nhận định khái quát về sự biến đổi vai trò, vị trí của các thể loại văn học, nhất là các thể loại văn học cổ điển. Văn học truyền miệng được khảo sát trên các thể loại ca dao, dân ca, tục ngữ, chuyện đời xưa, chuyện tiếu lâm, chèo và tuồng. Mỗi thể loại đều được tìm hiểu về định nghĩa nguồn gốc, tính chất, giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Về văn học viết, các soạn giả không căn cứ trên thể loại văn học để biên soạn. Các thể thơ văn được bàn thảo qua các tác gia, tác phẩm cụ thể. Tuy những nghiên cứu sơ khởi này còn phải được bổ sung và trao đổi, nhưng nỗ lực này là đáng ghi nhận.
Trong Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, các tác gia, tác phẩm lớn của văn học chữ Nôm và chữ Quốc ngữ được giới thiệu theo tiến trình lịch sử. Khởi đầu là Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn. Sau đó là Nguyễn Trãi và Quốc âm thi tập, Truyện Vương Tường, Trê cóc, Trinh thử, Thạch Sanh và Gia huấn ca... Điểm qua những tác gia, tác phẩm lớn của văn học Việt Nam như vậy là khá chuẩn xác, song cách viết còn sơ lược. Bài khái quát của mỗi thời kỳ tương đối ngắn, các phần trích dẫn tác gia, tác phẩm để phân tích cũng chưa được kỹ lưỡng. Tuy nhiên, những tìm hiểu về tiểu sử tác giả, về giá trị nội dung và hình thức của tác phẩm văn học, phần nào tái hiện được một dòng chảy liên tục của lịch sử văn học Việt Nam.
Như thế, xuất hiện vào những năm 50 của thế kỷ XX, bộ lịch sử văn học này là một trong hai công trình có giá trị ở miền Bắc. Nó đặt tiền đề cho những nghiên cứu lịch sử văn học trên quan điểm mới. Những thành công nhất định của nó đi kèm những thiếu sót cần bổ sung. Trong bài Mấy vấn đề trong công tác biên soạn lịch sử văn học Việt Nam từ 1930 đến nay(4), Nguyễn Đức Đàn đã nêu ra ba vấn đề cần bàn về Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam. Thứ nhất, liên quan đến yêu cầu tư tưởng của một quyển lịch sử văn học, công trình này còn thể hiện sự không nắm vững quan điểm giai cấp và không xác định được thái độ chiến đấu của người viết lịch sử văn học. Thứ hai, việc phân chia và trình bày các giai đoạn văn học 1930-1945 còn trùng lặp, bố cục cuốn sách thiếu phần chặt chẽ, khoa học. Thứ ba, vấn đề đánh giá nền văn học cách mạng 1930-1945 còn chưa chuẩn xác. Hoặc Nguyễn Huệ Chi và Phong Lê đã trao đổi một số ý kiến cần quan tâm. Văn học Cách mạng phải được đề cao giá trị với số lượng tác phẩm cần được bổ sung nhiều hơn, không nên có quan niệm “khối lượng tác phẩm nhỏ”, “có trình độ nghệ thuật đáng gọi là văn học không nhiều lắm”. “Nhìn chung trong Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, văn học cách mạng hiện ra không hệ thống và thiếu sức hấp dẫn”(5) do quá thiên về văn học công khai. Đối với văn học hợp pháp, tuy tỉ mỉ về khuynh hướng, thể văn, tác gia tiêu biểu... song “đã có nhiều ý kiến tỏ ra không được khách quan lắm về tính chất tích cực của dòng văn học này”. Các vấn đề về quan điểm và phương pháp nghiên cứu văn học nghệ thuật, thái độ nghiêm chỉnh khẩn trương thu thập tài liệu cũng cần được bàn đến. Tuy nhiên, hai tác giả này cũng nhận định rằng: “Bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, các tác giả trong nhóm Lê Quý Đôn đã dựa trên quan điểm mới để trình bày một cách có hệ thống kho tàng văn học phong phú và đẹp đẽ của nước nhà.”(6) Nhìn chung, phương pháp viết văn học sử của nhóm Lê Quý Đôn chịu ảnh hưởng phương pháp xã hội học Mác-xít trong tiến trình tư duy lý luận và biên soạn văn học sử Việt Nam.
LÊ QUANG TƯ
------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
(1) Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Lê Thước, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, Tập I, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1957.
(2) Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Tri Viễn, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập II, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1957.
(3) Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Tri Viễn, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập III, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1957.
(4) Nguyễn Đức Đàn, “Mấy vấn đề trong công tác biên soạn lịch sử văn học Việt Nam từ 1930 đến nay”, Nghiên cứu văn học, số 3, 1960, tr. 31-42.
(5), (6) Nguyễn Huệ Chi, Phong Lê, “Vài vấn đề văn học sử giai đoạn 1930 1945 nhân đọc Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Lê Quý Đôn”, Nghiên cứu văn học, số 5, 1960, tr. 109, 107.