Con trâu phá bầy
Xóm Bầu Quang chuyên nghề nuôi trâu. Mỗi nhà đều có một bầy, hoặc của gia đình, hoặc chăn thuê. Đến mùa nắng hạn, vùng Láng Thơm, Trại Gò suối cạn, đồng khô, trâu ở đó phải đem xuống Bầu Quang gởi. Ruộng đất Bầu Quang nhờ vậy thêm nhiều phân, thêm màu mỡ.
Thành thạo nhất trong công việc dưỡng trâu và coi tướng trâu là ông Bảy Râu. Người quắc thước, mắt lộ, lông mày rậm, ba chòm râu dài trước ngực, tiếng nói oang oang, ông Bảy Râu có cái vẻ một tù trưởng, một già làng, có cái uy của kẻ điều khiển, nhiều người nể nang, cả gia súc và hoang thú đều sợ. Trâu què, trâu ốm, trâu bệnh, giao cho ông Bảy Râu năm bảy ngày, kết quả bình phục thấy rõ, chừng một tháng trở lại là sung sức như thường. Ai muốn mua trâu cũng nhờ ông Bảy Râu xem tướng, xem xoáy. Chưa một lần ông Bảy Râu nói sai.
Lần ấy trong bầy trâu của ông Bảy Râu một con nghé ra đời. Tuy còn nhỏ, đã thấy tướng nó khá đẹp. Lớn lên, chắc còn vạm vỡ khỏe mạnh hơn con trâu Pháo đang cầm bầy. Thế nhưng, ông Bảy Râu rất buồn. Con nghé có cái xoáy phản chủ, phá bầy. Nó sẽ đem tai họa đến cho người chủ , sẽ phá bầy tan nát, có khi không còn một con. Ông bảy Râu suy nghĩ lại, chẳng biết làm cách nào cho ổn.
Một người bàn:
- Coi ai ở xa tới mua thì bán. Thiên hạ đâu mấy người xem trâu rành mà sợ.
Tức thì, ông Bảy Râu trợn mắt lên nói như quát:
- Tầm bậy! Ông đừng xúi cái kiểu thất đức đó. Phỉnh phờ người khác là có tội, đem cái họa của mình trút cho người khác thêm tội
Người thứ hai bàn:
- Thôi thì đem xẻ thịt. Thịt trâu nghé kém gì thịt bò. Bán được tấm da nữa...
Ông Bảy Râu vẫn thói quen trợn đôi mắt lộ tuy giọng không có vẻ quát nạt, lắc đầu:
- Cũng tầm bậy! Phàm trong lục súc trời tạo để giúp con người, mỗi loài có một nghiệp riêng. Trâu cày, ngựa cưỡi. Heo gà mới dùng ăn thịt. Trái với đạo thường, đâu được!
Vài phút sau, ông Bảy Râu nói tiếp:
- Tôi chúa ghét mấy cha ăn thịt chó. Trời sanh con chó để giữ nhà, ngăn ngừa trộm cắp, săn thỏ, đuổi nai... vậy mà bắt nó làm thịt, có trái đạo thường không? Các ông để ý coi. Người ta ăn thịt con gì thì nói thịt ấy, chẳng hạn là thịt heo, thịt gà, thịt vịt, hoặc đến như thịt nai, thịt nhím, có nói trại, nói tránh chi đâu. Còn cái anh ăn thịt chó, phải quanh co, giấu giấu, lén lén, phải nói là cờ tây, mộc tồn, nai đồng quê. Đúng là có điều mờ ám trong chuyện ăn này.
Câu chuyện con nghé trâu có xoáy xấu đã là đề tài bàn tán cho dân xóm Bầu Quang, đợi xem ông Bảy Râu thu xếp cách nào. Sau cùng, tất cả đều hết sức ngạc nhiên nghe tin ông Ba Bủng được ông Bảy Râu cho không con nghé ấy.
Ông Ba Bủng là người duy nhất ở xóm Bầu Quang không làm ruộng, không nuôi trâu. Ông Ba Bủng cùng tuổi với ông Bảy Râu, nhưng dáng vẻ hoàn toàn khác hẳn. Dân xóm Bầu Quang có tục lệ đặt cho mỗi người một tên riêng để gọi theo thứ. Ông Bảy Thu có râu dài thành ông Bảy Râu. Ông Hai Đạm thấp nhỏ thành ông Hai Đẹt. Ông Tám Chư mắc bệnh hen suyễn thành ông Tám Khè. Tương tự như thế, có Mười Cò, Chín Lé, Tư Lữ... Ông Ba Khánh làm thợ may và thợ hớt tóc suốt ngày ngồi trong mát, nước da xanh mét, trái hẳn với dân xóm Bầu Quang đen sạm vì nắng gió ruộng rẫy, thành ông Ba Bủng.
Ông Ba Bủng có một thời trai trẻ bỏ xứ đi hoang vào Đồng Nai, Lục Tỉnh, trở về với một người vợ nói giọng Sài Gòn. Buổi đầu tiếp xúc, dân xóm Bầu Quang cứ há miệng ra nhìn và cười, không biết bà nói gì. Dân xóm không gọi bà là bà Ba Bủng, mà gọi là bà Ba Sài Gòn, để tỏ lòng yêu mến người phụ nữ xứ xa, lịch lãm, chịu về làm dâu xóm Bầu Quang núi non hẻo lánh.
Gia tài của vợ chồng ông Ba Bủng gồm một máy may hiệu Singer và một bộ tông đơ, dao kéo. Hầu hết dân chúng xóm Bầu Quang mặc quần áo bà ba, giới thanh thiếu niên mỗi người có một bộ đồ Âu, để dành khi dự lễ. Các kiểu áo phụ nữ do bà Ba tìm tòi, châm chước khiến cho con gái xóm Bầu Quang có vẻ tân thời hơn con gái Láng Thơm, Trại Gò, Chợ Sủng. Công may, ai có tiền trả tiền, ai có lúa trả lúa. Cũng được quy ra bắp, đậu xanh, đậu đen, khoai lang, sắn mì. Hớt tóc thì trả theo mùa. Thu hoạch phơi phong xong, gánh tới trả lúa "cúp đầu”. Gia đình ông Ba Bủng vì thế hoá ra có đủ loại lương thực, hoa màu, rau quả hơn các nhà khác.
Chính bà Ba Sài Gòn đưa ra đề nghị:
Bác Bảy xợ thì giao con châu ấy lợi cho dợ chồng tui. Người ta có châu, mình cũng có châu cho dui, chớ chẳng bắt nó mần chi hết.
Ông Bảy Râu "suy đi nghĩ lại"... Bốn tiếng ấy, ông Bảy Râu thường dùng trước một việc khó xử. Phải mấy ngày suy đi nghĩ lại, ông Bảy Râu vui vẻ ừ. Có người thắc mắc: Vậy là ông Bảy Râu trao cái họa cho ông Ba Bủng?
- Không phải đâu. Ông Bảy Râu giải thích: Có hai lẽ. Một là ông Ba Bủng và bà ba Sài Gòn đã biết con nghé phản chủ mà vẫn nhận nuôi, để nó khỏi bị giết, tất nhiên do ông bà có lòng nhơn, bao dung, rộng rãi. Con vật cũng có lương tâm chớ. Có khi còn hơn con người một bực. Nó sẽ không phản chủ. Trời khiến vậy. Không biết chừng nó còn đem lợi lộc cho chủ. Hai là ông Ba Bủng, bà Ba Sài Gòn không có trâu bầy, lấy gì để nó phá. Bầy là một mình nó, nó phá bầy là tự phá nó sao? Cái xoáy phá bầy bị tiêu do chỗ này cũng nên.
Hôm vợ chồng Ba Bủng đến nhận con trâu, ông Bảy Râu vỗ vỗ vào trán con vật nói:
- Cực chẳng đã tao mới để mày lẻ bầy. Thôi thì về với ông bà Ba, nghe con...
Con nghé dường như hiểu được lòng ông Bảy Râu, cũng hiểu được lòng ông Ba Bủng, ngoan ngoãn bước đi. Ông Ba Bủng cầm dây dắt, bà Ba Sài Gòn theo sau lùa.
Một con tằm cũng hái dâu, một con trâu cũng đứng đồng. Lúc rảnh, thằng con lớn của ông Ba Bủng dẫn trâu ra thả ở chân giồng. Nó đi học hoặc làm việc khác, thì con nghé được cột ở một góc vườn, cắt cỏ, xin rơm cho ăn.
Hồi đó, trong thời kỳ chín năm, không quân Pháp hàng ngày bắn phá khắp nơi. Một xóm Bầu Quang vắng vẻ, lèo tèo mười mấy nóc nhà cũng nằm trong những mục tiêu của máy bay. Ông Ba Bủng ngồi đạp máy may, tiếng rè rè dễ lấn át các âm thanh, phải để thằng con nhỏ thường xuyên ngồi chơi nơi góc vườn canh máy bay. Thằng bé có lỗ tai đặc biệt tốt, vài tiếng u u văng vẳng tận đâu đâu nó đã nhận ra trước mọi người. Còn phân biệt được " tàu bà già" là loại dakota bay cao, chậm rì, không nhả đạn, không bỏ bom, và "tàu bắn" là khu trục cơ oanh tạc, bay thấp, vụt đến, vụt đi, quầng lượn, đâm bổ, gầm rú, khạc ra từng tràng đại liên, đạn lửa, đốt cháy nhà cửa, giết hại người và súc vật. Để đỡ buồn, thằng bé thơ thẩn chơi với con trâu. Và bất chợt phát giác ra chú nghé có một tài lạ vốn của loài chó: cũng hiểu được tiếng máy bay. Ban đầu, chẳng ai chịu tin. Sau năm lần bảy lượt chứng kiến mới thấy đúng. Con trâu nghé ngẩng đầu lên, ngà ngà mấy tiếng nhỏ, ấy là có "tàu bà già", còn ngá lớn hơn, có vẻ hãi hùng, sợ sệt rồi cúi đầu xuống húc vào chỗ không, lắc lắc đôi sừng, ấy là có "tàu bắn"...
Bây giờ, con trâu nghé coi như góp phần làm nhiệm vụ báo động cho gia đình ông Ba Bủng và cả mấy nhà chung quanh. Nó thành con vật được yêu cưng, được láng giềng đem cỏ, đem rơm đến cho. Dân xóm Bầu Quang, hễ ngồi lại, bàn chuyện tàu bay là không khỏi nhắc tới, khen ngợi. Có người bình phẩm:
- Thế mà thiên hạ chế giễu loài trâu điếc, cứ bảo rằng đờn khảy tai trâu vô ích, không chừng con trâu này biết nghe đờn nữa. Bữa nào thử coi...
Ông Ba Bủng, bà Ba Sài Gòn rất vui. Ông Bảy Râu cũng rất vui. Ông nói, như vậy con vật đã gỡ bỏ được cái nghiệp dữ của ác tướng.
Ngày mồng một tết năm Kỷ Sửu, buổi chiều, thằng con lớn của ông Ba Bủng nảy ra ý kiến cưỡi trâu sang thăm đứa bạn bên kia Bầu Quang. Nó nói với đứa em:
- Tao làm Đinh Bộ Lĩnh.
Nghe thế, thằng em nằng nặc đòi theo, đòi làm Đinh Bộ Lĩnh em. Thằng anh phải bằng lòng. Hai anh em Đinh Bộ Lĩnh nghêu ngao bài tập đọc “...Ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót véo von trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ xanh..." Mùa Xuân, nước Bầu Quang xuống cạn, phía bên kia là một bãi rộng biến thành soi trồng dưa, trồng mướp. Đến giữa soi, con trâu nghé bỗng dừng lại, ngá ngá hoảng hốt. Vừa lúc ấy, Đinh Bộ Lĩnh em la to: "Tàu bắn".
Đã quen phản ứng thật nhanh, hai anh em nhảy xuống khỏi lưng trâu. Hai chiếc khu trục liền xuất hiện, sàn sạt quầng lại. Hai anh em Đinh Bộ Lĩnh lăn tròn trong soi mướp, không còn hồn vía gì nữa, cho đến lúc chạm vào bực cát, kéo nhau chui vào một hốc rộng do nước lụt xoi để lại. Chúng nhìn thấy con trâu nghé lồng lên, không chạy theo, mà chạy ngược lại phía bầu. Thằng anh, giọng thất thanh:
- Con trâu ngu quát! S.s...
Nó định nói tiếp " sao không chạy qua bên này" thì một loạt đạn xé trời vang rền. Nghe tiếng máy bay, chúng biết được đó là đâm xuống hay cất lên. Những loạt đạn tiếp theo vẫn chát chúa, đanh rắn. Hai anh em trườn sâu thêm vào hố cát.
Độ mười lăm phút sau, nhưng hai anh em thấy lâu như cả ngày dài, tiếng máy bay xa dần... Đợi cho hoàn toàn yên tĩnh, không còn chút u u văng vẳng, chúng mới chui ra khỏi hốc cát, ngơ ngác chạy tìm. Bên mé bầu, con trâu nằm bất động, mình đầy vết đạn, máu loang đỏ một góc nước. Đứng lặng bên xác con vật một lúc, thằng anh mới nhớ ra, sợ máy bay trở lại, đã nhiều trường hợp như vậy, giục em lội bầu hớt hải chạy về.
Bà Ba Sài Gòn thở dài:
- Con trâu nghé đã cứu mạng hai đứa nhỏ. Nó không chạy ra bầu mà chạy theo chủ, thì sao? Ôi trời, biết đâu...
Bà không dám nói hết câu, để không tưởng tượng cái hình ảnh đen tối.
Vợ chồng ông Ba Bủng, bà Ba Sài Gòn rơm rớm nước mắt khóc con trâu nghé. Khóc thật tình. Dân xóm Bầu Quang, nhất là mấy nhà lân cận với ông Ba Bủng đều ngậm ngùi. Và tiếc. Họ mất một "người cảnh giới" tài tình, luôn luôn giúp thằng bé báo động kịp thời.
Ông Bảy Râu nói với ông Ba Bủng:
- Để tôi sai lũ trẻ ra khiêng con trâu đem chôn, chớ đừng bỏ diều tha quạ rỉa, tội nghiệp! Nó thương ông bà, không phản chủ, nhưng mà... như vậy là nó đã phá bầy rồi!