Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương
Gió Mới là tập thơ thứ 10 của những người yêu thơ phường Hoà Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Gió Mới là một cách nói về sự đổi thay, phát triển của một vùng đất “ngoại ô”, nay trở thành một trung tâm của thành phố khá sầm uất. Nơi ấy có Quảng trường 29/3, có đài tưởng niệm, là nơi tập trung khu văn hoá, thể thao của thành phố. Hoà Cường - mảnh đất an vui và cường thịnh.
Trong khung cảnh an vui đó, tiếng thơ từ lòng người dường như cũng rạo rực và cất lên thật trong trẻo, hân hoan:
“Hoà Cường nghĩa nặng tình sâu
Có dòng sông mát soi bầu trời xanh” (Lê Thanh).
Anh Bình An viết về Hoà Cường dưới góc nhìn của “đất lành chim đậu”: “Người đâu tứ xứ hội về đông / Đường rộng thênh thang lấp lối mòn / Phố xá giăng giăng nhà cao đẹp / Xa rồi cảnh cũ cánh đồng hoang”. Hoà Cường là mảnh đất “tụ hội” và tiếng Thơ của Hoà Cường là nơi tụ hội những tấm lòng yêu quê hương, khát khao nét đẹp trong lòng người và sự phát triển của xã hội. Hình ảnh “Hoa Phong Lan” của Phạm Ngọc Anh như là biểu tưởng của những khát khao hy vọng đó:
“Giò phong lan trước nhà
Dưới bóng cây râm mát
Chăm sóc nó hàng ngày
Mong sao có bông hoa
Kiên trì cũng đến ngày
Được một chùm hoa đỏ
Hiên ngang khoe trước gió
Rực rỡ dưới nắng mai”.
Muốn có một chùm hoa phong lan “khoe trước gió” trong một buổi nắng mai nào đó, là bao công sức chăm sóc giữ gìn ; muốn có một ý thơ hay phải qua bao lao tâm khổ tứ, nhưng không phải ai lao tâm khổ tứ cũng có thể viết được thơ, nếu lòng họ dửng dửng, không hướng đến cái đẹp trong cuộc sống: “Con hãy nói cái điều lòng người mong mỏi / Hãy làm những gì tốt hơn hôm qua…” (Nguyễn Đình Hát).
Chị Nguyễn Thị Phương Mai đã đưa điểm nhìn của mình xuống dưới gầm cầu, nơi đó có thằng bé đánh giày đang ngủ và nằm mơ “Bay lên cao cao mãi đến một nơi / Chẳng còn đói rét / Nơi mà mọi người ngoái lại / Trước lời chào mời của thằng bé nghèo”. Thằng bé nằm mơ nhiều lắm, nhiều đến nỗi, trời chuyển giông, sấm chớp đầy trời thằng bé vẫn thả hồn theo những giấc mơ: “Trong cơn mưa tầm tã, thằng bé vẫn cứ mơ”, bài thơ kết thúc nhẹ nhàng, nhưng cứ day dứt mãi trong ta, bao giờ giấc mơ thằng bé đánh giày kia trở thành hiện thực?
Chủ đề xuyên suốt tập thơ Gió Mới là tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều địa danh, nhiều vùng đất của Tổ quốc được các tác giả nhắc đến với niềm rung cám sâu xa.
Lê thanh tự hào về Thủ đô ngàn năm:
“Hà Nội lộng lẫy
Hà Nội sang trang
Trái tim tổ quốc
Trường xuân
Toả sáng”.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay đất nước sang trang mới, tác giả nhìn thấy nơi trái tim tổ quốc một sức sống “trường xuân” và toả sáng. Niềm tin ấy có cơ sở từ thực tiễn đổi mới và phát triển của đất nước trong những năm qua.
Sống trong hoà bình, no ấm chúng ta không quên những ngày gian khổ đói rét của quê hương những ngày khói lửa chiến tranh. Trần Gia Thái, nhớ những ngày Quảng Bình “đất lửa” quê anh:
“Nắng lửa gió Lào cát bỏng bàn chân
Bến sông trưa
Đất lửa anh nằm”
“Nắng lửa”, “cát bỏng”, “đất lửa” - mảnh đất Quảng Bình như cháy lên bởi gió Lào, bởi chiến trường ác liệt, hơn nữa ngọn lửa như đang sục sôi trong lòng người dân yêu nước.
Nhớ lại mùa hè đỏ lửa năm 1972, Quảng Trị lại là mảnh đất thật đau thương và anh dũng. Hôm nay về thăm lại thành cổ ta như thấy bao anh linh hiện về:
Về thăm thành cổ quê hương
Nghe trong lòng đất máu xương bồi hồi! (Lê Văn Xứng)
Đặt bàn chân trên mặt đất cỏ xanh êm dịu hôm nay, ta biết dưới mảnh đất này là đồng đội ta đang nằm. Ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất miền
“Tôi về thăm lại các anh
Một sáng đầu thu trời dịu mát
Trên đồi năm lăm
Đất Ký-La Huân-Chu Bái-Lạc Thành
Rừng bạch đàn trùm lên hàng bia mộ
Một trăm hai mươi ba liệt sĩ ngày ấy”. (Ngô Văn Quang)
“Đất Ký-La Huân-Chu Bái-Lạc Thành” những tên làng ấy không chỉ đơn thuần là địa danh, mà chứa trong đó nước mắt, lửa và sắt đá.
Viết về mảnh đất và con người tây nguyên, anh Nguyễn Đức Minh khắc hoạ:
“Em bé Xê đăng
Cõng nắng về làng
Để lại phía sau dấu chân trên đá”
Hình ảnh em bé “cõng nắng về làng” là hình ảnh đẹp. Hằng ngày đi làm rẫy em cõng củi trên lưng, cõng bắp trên lưng, trong những bó củi đó, trong những trái bắp đó đã ươm nắng ngàn đời nay. Tác giả đã nhìn thấy ánh nắng tươi rói đó, ánh nắng nhọc nhằn đó trên lưng em bé Xê-đăng. Tác giả không chỉ nhìn thấy nắng trên lưng mà còn thấy dấu chân em in trên phiến đá tây nguyên cao vời vợi kia. Dấu-chân-trên-đá lặng yên trước nắng mưa, đó như là viên đá thiền ai cũng từng nhìn thấy trên dọc dài đất nước ta.
Ai một lần đến cao nguyên Lâm Viên mới hiểu hết câu thơ viết về Đà Lạt của Kim Sơn:
“Đà Lạt chập chùng dấu ngã chông chênh!
Sương tinh khiết bồng bềnh con mắt cỏ”
Miêu tả về đất Đà Lạt, thơ ca thường dùng từ “nghiêng”, những ngôi nhà nghiêng nghiêng, những hàng thông nghiêng nghiêng, thành phố nghiêng nghiêng theo dốc núi. Kim Sơn đã thấu tâm thế nghiêng ấy, và anh bất ngờ so sánh đất Đà Lạt với những “dẫu ngã” chập chùng. Lấy dấu thanh của tiếng Việt làm hình ảnh cho thơ cũng là một sáng tạo. Hơn nữa, với nghệ thuật dùng từ láy “chập chùng”, “chông chênh”, trong 2 từ láy đó anh tiếp tục sử dụng nghệ thuật láy phụ âm đầu “ch”, đã vẽ ra một không gian Đà Lạt thật nên thơ với những giọt sương “tinh khiết bồng bềnh con mắt cỏ”.
Nhớ về quê hương, ta thường nhớ về dòng sông:
“Ta trở về
Ơi sông Đáy!
Sông hiền hoà như nét mặt người thương” (Ngọc Báu)
Hoặc nhớ về một đỉnh đèo, một dòng suối:
“Quê tôi có đỉnh đèo Le
Có suối Nước Nóng có chè Tân Cương” (Nguyễn Văn Việt)
Đó là nỗi nhớ trong tâm thức hình ảnh yêu thương của quê nhà khi đi xa. Mỗi lần nhớ đến một hình ảnh nào đó của quê hương gắn liền với kỷ niệm xưa, như một lần “ta trở về” với nguồn cội sinh thành.
Ngược lại, Nguyễn Hoàng Sa, đang ở quê vẫn nhớ quê. Ngồi trước biển Cửa Đại Hội An, anh lặng yên dữ dội: “Lâu lắm rồi mới lại ngồi với biển / Thu biển vào đáy mắt / Chiều xa”. Thu cả biển trời xa kia vào trong đáy mắt vời vợi chiều xa, nỗi nhớ ấy, tình cảm ấy sâu sắc, chân tình.
Viết về cảnh đẹp của non sông, tôi đọc chầm chậm bài thơ của Xuân Thành viết về đèo Cả:
“Hoa nở đầu cành phơi nắng trải
Thuyền neo cuối bãi tắm sương gieo”
Bài thơ không mới về cách diễn đạt, nhưng câu thơ hiện trước mắt ta cảnh đẹp của núi đồi sông nước mênh mang, các cum từ “phơi nắng trải”, “tắm sương gieo” cứ lung linh trong ta một tình yêu quê thắm thiết.
Trong bài viết ngắn rất khó nói hết những vẻ đẹp trong từng câu thơ, từng bài thơ trong tập Gió Mới. Mật ngọt của tình yêu đã ươm nắng trong nhưng ý thơ của Dương Quang Cần, Lương Mậu Kỳ, Nguyễn Tấn Lãng, Vân Nam, Nguyễn Thị Hồng Nụ, Thuận Quảng, Lâm Tẩn, Trương Như Thanh, Nguyễn Thị Thấn, Thanh Toàn, Hà Giang Tiên, Minh Tịnh, Nguyễn Hữu Thịnh, Thanh Tứ.
Tôi xin kết thúc bài viết ở đây bằng hai câu thơ của Bửu Nguyên:
“Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể
Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương”.
NGUYỄN NHO KHIÊM