Một tập sách rất cảm động về tình yêu của người lính (1)

06.02.2009

Một tập sách rất cảm động về tình yêu của người lính (1)

Đại tá Đồng Kim Hải, Trưởng chi nhánh nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh tặng tôi quyển sách và nói: “Quyển này rất cảm động. Tôi tin anh đọc anh sẽ rất thích”

Đó là quyển Anh và Thư của bác sĩ Lương Ngọc Thư, phu nhân của cố thượng tướng Lê Ngọc Hiền, nguyên phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đã dày công biên soạn, chú dẫn với sự tham gia của thượng tá Trần Thanh Hằng, cán bộ viện Bảo tàng lịch sử quân đội.

Tập sách được kết cấu bằng những bức thư (có thêm những đoạn dẫn để vào thư của tác giả) của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền và Bà Lương Ngọc Thư gửi cho nhau, được lưu giữ từ năm 1952 đến năm 2006 (năm thượng tướng mất). Đó là những bức thư cảm động nói về việc họ tìm hiểu nhau, yêu nhau bởi họ có chung một lý tưởng: “Kỳ chỉnh huấn tháng 12 sắp tới ở trong trường chắc sẽ nhiều kết quả Thư nhỉ. Anh đặt nhiều tin tưởng vào kỳ chỉnh huấn đó vì nó sẽ làm cho Thư dễ hiểu anh hơn nữa. Nền tảng xây dựng của chúng mình sau này do tư tưởng thống nhất và gặp nhau như vậy được vững chắc hơn nữa”. Họ quan niệm về tình yêu của những người cách mạng, trước tiên, người thanh niên nam hoặc nữ phải tự lập rồi chân thành yêu nhau và xây dựng với nhau. Điều kiện tự lập sẽ bảo đảm cho hai người xây dựng một tình yêu đúng đắn vì nó không để lệ thuộc nhau vào nhiều điều kiện khác, nhất là trong xã hội người phụ nữ bị nô lệ và lệ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế của người đàn ông. Họ còn quan niệm “muốn có hạnh phúc của mỗi cá nhân trước hết phải có hạnh phúc chung của dân tộc. Muốn có hạnh phúc phải đấu tranh để xây dựng, không đi van lơn hay ỷ lại vào ai xây dựng cho mình”. Ông Lê Ngọc Hiền và bà Lương Ngọc Thư cùng quan niệm rằng, trong tình yêu, hai người (nhất là người đàn ông có từng trải hơn, phải là người anh, người thầy, người bạn) giúp đỡ nhau, động viên nhau trong công tác, chiến đấu, học tập và trong cuộc sống: “Anh khuyên tôi thường xuyên đọc sách báo để nâng cao hiểu biết về mọi lĩnh vực chính trị. Anh giúp tôi hiểu hơn về nhân dân, đất nước, về nhiệm vụ cách mạng…kể cả cách dùng từ ngữ hàng ngày, trong công việc và trong ứng xử”. Hoặc như một lời khuyên rất mực khiêm tốn và tâm tình: “Anh mừng lắm khi nghe tin Thư được đi phát động quần chúng giảm tô. Thư phải yên tâm và tích cực học tập, chịu đựng gian khổ để mau chóng trở thành cán bộ tốt. Được như thế là phần thưởng cao quí nhất cho anh…” Còn chị thì viết cho người yêu: “Anh làm nhiệm vụ đánh đế quốc, em làm nhiệm vụ đánh phong kiến, chúng ta đều là những người lính vì Đảng vì nhân dân mà phục vụ. Chúng ta thi đua nhau mà làm tốt anh nhé”.

Từ những bức thư đó, giúp cho người yêu tự phấn đấu, tự rèn luyện để xứng đáng với nhau, để trở thành người bạn, người đồng chí của nhau. Đến khi đã trở thành vợ chồng, lại là vợ chồng người lính, luôn phải xa nhau, họ luôn khắc khoải nhớ nhau, không những động viên nhau trong công tác, học tập mà còn thêm trách nhiệm đối với gia đình, với con cái: “Hôm nay anh nhận được thư em báo con ốm đã đỡ và bây giờ đang ăn giả bữa. Con ốm, em lo lắng nhiều. Anh không ở gần để giúp em phần nào nên trách nhiệm của em nặng thêm…”

Có lúc họ cũng hờn ghen và tranh luận nhau. Khi người chồng nghe chuyện một người vợ của ai đó không chung thuỷ lắm, viết thư dặn vợ phòng xa, người vợ tự ái, phản ứng: “Chuyện anh nhắc em về vấn đề giữ phẩm chất đã nhiều lần chúng ta tranh luận và cũng đã thống nhất rồi cơ mà, sao thỉnh thoảng anh nghe chuyện của ai, ở tận đẩu tận đâu lại nói chuyện nhắc nhở em. Em nhắc lại nếu anh quên: Từ khi lớn lên và khi em biết yêu anh thì anh là người duy nhất mà em yêu. Mặc dù khi đã yêu anh vẫn còn có bao nhiêu vệ tinh làm quen với em, gửi thư cho em, em đều trả lời em đã có anh”.

 Anh chồng thấy mình sai, phải viết thư dàn hoà: “Cô mình yêu quí của anh ơi, anh có tính hay bông phèn nên viết vậy thôi, chớ anh tin em lắm lắm…Nói như thế để em biết đây là chuyện tán phét chứ không nghĩ sai lệch gì về vợ con đâu”. Đúng là chuyện tình yêu, nó tinh tế lắm, nó dông dài lắm, muốn tình yêu trọn vẹn phải hết sức gìn giữ, đấu tranh nhau để gìn giữ mới có được.

Trong tình cảm và trách nhiệm với nhau của các đôi vợ chồng, xa nhau lúc bình thường đã là một khó khăn nặng nề, huống hồ khi người chồng phải ra trận, người vợ vừa lo lắng cho tính mạng của chồng, vừa phải lo lắng việc nuôi dạy con cái cho chồng yên tâm chiến đấu: “Anh yên tâm đi làm nhiệm vụ. Em sẽ làm được và làm tốt mọi việc trong gia đình. Em sẽ cố gắng học tập để tiến bộ như trước đây anh nhắc nhở”. Còn người chồng ở chiến trường luôn lo lắng cho vợ con: “Anh hơi lo lắng việc học hành của Mai và Lương. Em hết sức để ý trông nom các con học tốt. Ở ngoài có khó khăn gì em nói với anh Tấn hoặc anh Thế Hùng giải quyết cho”.

Thương biết mấy cho vừa, khi đất nước đã thống nhất, bao gia đình vui cảnh sum họp thì người lính còn ra đi chiến đấu ở biên giới Tây Nam, hai vợ chồng lại xa nhau: “Thế là vì nhiệm vụ anh lại tiếp tục một cái tết nữa xa em và các con, chắc sau này còn nhiều cái tết xa gia đình nữa. Nhớ em và các con, nhớ mưa xuân ngoài bắc, nhớ cảnh gia đình ấm cúng”. Còn người vợ thì: “Bao nhiêu cái tết vắng anh và cũng đã nhiều đêm giao thừa tôi ngồi một mình với cái vô tuyến truyền hình. Những năm xa vắng anh, tôi để một phần vào công việc, một phần chăm sóc con và một phần dành cho anh”.

 Đọc tập sách Anh và Thư với những bức thư mang đậm dấu ấn một thời chiến tranh, với cách viết chân thật, dung dị sâu nặng tình nghĩa của những người yêu nhau, tình nghĩa vợ chồng, tình đồng chí, đồng đội cho ta cảm nhận rằng, cuốn sách đã vượt ngoài khuôn khổ tâm sự riêng của hai người. Nó nói lên quan niệm chung của những chiến sĩ cách mạng trong tình yêu là biết yêu thương nhau, gắn bó nhau, thuỷ chung và chia sẻ nhau, giúp đỡ nhau để cả hai cùng trưởng thành trong tình cảm, trong công tác và trong sự nghiệp cách mạng.

Cuốn sách còn cho ta hiểu được tình cảm của tác giả với người chồng, người thầy, người anh, người bạn đời, chỗ dựa vững chắc về tình yêu, sự nghiệp và những bước trưởng thành của bà qua năm tháng cuộc đời. Từ đó, chân dung của người chồng, thượng tướng Lê Ngọc Hiền, một người lãnh đạo quân đội, lãnh đạo Đảng được khắc họa khá rõ nét: Đây là một vị tướng tài, đầy bản lĩnh, giàu tình cảm, sâu sắc và đúng đắn trong mối quan hệ giữa tình yêu, gia đình và nhiệm vụ. Cuốn sách nói về chuyện riêng của hai vợ chồng thượng tướng Lê Ngọc Hiền nhưng cũng nói lên tình cảnh và cuộc sống của bao đôi lứa, nhất là những đôi vợ chồng người lính, trong những năm chiến tranh giải phóng dân tộc.

Cuốn sách không những giúp ta yêu thương quí trọng những chiến sĩ của chúng ta chịu biết bao hy sinh gian khổ ngoài mặt trận mà còn giúp ta càng trân trọng và cảm nhận sâu sắc tình cảm và những hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam “trung hậu, đảm đang”, gánh cả hậu phương trên vai để cho chồng, con, em mình ra trận, an tâm vượt qua khó khăn, dũng cảm chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng cho dân tộc.

Cuốn sách thật sự giúp cho các bạn trẻ hiểu hơn lớp ông bà mình, cha mẹ mình, giúp họ phấn đấu, rèn luyện trong học tập, công tác và có quan hệ yêu đương tốt đẹp trong cuộc sống hiện nay.

Riêng tôi, tôi xin cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã cho ấn hành một quyển sách tốt, đầy xúc động. Tôi thực sự thích thú và học tập được nhiều điều từ trong sách.

 

THANH QUẾ