Mùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của lá

10.01.2024
Lê Huỳnh Lâm

Mùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của lá

Tác phẩm “Mùa thu vàng” của danh họa Le-vi-tan.

Năm nào cũng vậy, song hành cùng không khí mùa xuân nô nức tràn về, là tiết trời se lạnh được mang theo từ những chuyến gió bấc, mưa phùn. Trên mọi nẻo đường, những bước chân vội vã vang lên trong cuộc quy cố hương của những người con xa quê nhà. Lòng người rộn ràng, gương mặt thành phố tươi vui như được thay áo mới. Trên các ngả đường những tấm thảm hoa tỏa ngát hương với đủ các màu sắc. Màu vàng tươi của các loài hoa cúc, màu hồng thắm của rừng đào giữa phố, màu đỏ nồng nàn của ngàn cánh hồng, màu trắng tinh khôi của hoa huệ, màu tím mặn mà của những cánh hoa tulip, cùng những sắc màu gợi cảm của những cánh hoa phong lan và không thể nào thiếu sắc vàng trang nhã của hoàng mai…

Ẩn sâu trong những gam màu rực rỡ đó, là màu xanh non hư ảo của các chồi cây như đang thắp lên những ngọn thanh lạp sưởi ấm cho phố phường. Ai bảo phép lạ là đi qua sông trên một bè lau, là đi chân trần trên lửa than hồng,… Chính những phép lạ đó đã làm mịt mờ nhãn tâm của con người, khiến họ quên mất rằng phép lạ của tạo hoá đang diễn trình, từ những bộ xương cây chơ vơ giữa mùa đông giá rét, bỗng nhiên bừng dậy vô vàn những ngọn nến thắp xanh màu mạ non giữa trần gian phiền luỵ. Những chiếc lá xanh non đầu xuân như ánh mắt thơ trẻ trong veo giữa giếng đời. Theo tháng ngày, lá lớn dần và chuyển sang màu lục già đậm chất từng trải, để qua mùa hạ những chiếc lá trưởng thành dưới ánh nắng chói chang và sang mùa thu lá chuyển màu vàng úa, chuẩn bị cho cuộc chia ly, lìa cành cuốn theo chàng gió lãng tử, rồi khi mùa đông đến lá hoá thân vào lòng đất để hoàn thành một kiếp lá. Một kiếp lá đã xuất hiện để giúp ích, làm đẹp cho cuộc đời. Trong lịch sử Việt Nam, lá còn góp phần vào công tác dân vận để tăng thêm niềm tin của người dân vào bậc đế vương và tạo sức mạnh đoàn kết vào công cuộc chống giặc Minh xâm lược, qua câu chuyện rất nhiều chiếc lá có khắc chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” được công thần Nguyễn Trãi đề xướng cho viết chữ bằng mỡ trên các lá cây để cho loài kiến ăn đã tạo hiệu ứng thiên định, lan truyền sâu đậm trong lòng dân.

Lá trong cuộc sống đời thường

Khi thế giới bắt đầu nhận ra và cảnh báo về sự ô nhiễm môi trường từ nhiều loại rác thải, trong đó có rác nilon, rác nhựa,… một loại bao bì, chai lọ,… được dùng để chứa các vật dụng hàng ngày, thì ở những làng quê lại sử dụng vật liệu để gói, chứa các vật dụng hàng ngày rất gần gũi với thiên nhiên và con người, đó là các loại lá cây. Ngoài ra lá còn được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống và trong sinh hoạt hàng ngày.

Lá sen, lá chuối, lá dong để gói thức ăn như: xôi, xôi bắp, cơm, ruốc, mắm,... của các o, các chị ở các chợ quê. Lá còn được kết hợp khéo léo để tạo ra loại hamburger Việt rất hấp dẫn như: bánh ít đen, phu thê,... gói bánh nậm, lọc, bánh chưng, bánh tét, lá gói nem, tré, chả. Có thể xem các món đặc sản trên khi được gói trong những chiếc lá là loại thức ăn nhanh rất hấp dẫn của Việt Nam cần được quảng bá.

Trong khi những nước văn minh người ta dùng giấy kẽm để bọc cá, thịt phục vụ các món nướng, thì ở nước ta lại sử dụng các loại lá như: lá chuối để nướng tôm, cá, thịt và lá lốt cuốn thịt bò để nướng,... Chỉ cần nhìn sự biến đổi màu của lớp lá bên ngoài là biết được độ chín của thức ăn.

Lá mang đến hương vị diệu kỳ cho món ăn. Lá dứa dùng để nấu xôi cho mùi hương thơ dìu dặt, lá ổi là lớp trong cùng của tré, khi ăn tré ăn luôn cái lá ổi để có thêm vị chát ngoài vị chua, cay, lá cần, hành, gò tăng thêm hương vị trong các nồi canh nóng. Các loại rau thơm, rau quế, húng,... là loại lá không thể thiếu trong các bữa ăn được dùng với tôm chua, thịt luộc, cũng như tía tô không thể vắng mặt khi ăn bún rêu. Lá còn dùng để nấu nước uống như chè xanh, rau má, rau dền,...

Đặc biệt, lá được ứng dụng trong ngành thời trang. Nón lá, mũ được làm bằng lá, áo tơi lá đã tồn tại một thời gian dài và hình ảnh chiếc nón bài thơ như một hình ảnh biểu tượng của Huế, của Việt Nam trước thế giới.

Lá còn dùng để chữa bệnh. Dân gian sử dụng các phương pháp cổ truyền để chữa bệnh như: Lá để tắm rữa cho người phụ nữ mới sinh con, lá để xông cho người bị cảm cúm, lá để trị vết thương ngoài da, lá lốt, đinh lăng,... trị bệnh đường ruột, lá cây cỏ mật để cầm máu và giải độc,... trong đông y ngoài các loài rễ, củ, hoa trái, thân cây quý để làm dược liệu thì lá là nguồn nguyên liệu phong phú để điều chế hoặc đưa vào các bài thuốc đông y.

Lá xuất hiện khắp nơi trong đời sống con người, trong các lễ cúng tổ tiên chúng ta thường thấy có cau, lá trầu, rượu và đặc biệt trong lễ cưới hỏi không thể thiếu được. Với người Việt, “Miếng cau ngọn trầu là đầu câu chuyện” là nét văn hóa lưu truyền về câu chuyện cổ tích thể hiện tình nghĩa keo sơn.

Lá trong văn chương, nghệ thuật

Lá gợi bao niềm cảm hứng cho các thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật,... như sắc vàng của lá trong “Mùa thu vàng” của danh họa Le-vi-tan, các tác phẩm hội họa của Al-Nizar vẽ trên những chiếc lá khô rất thơ mộng. Hoặc những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng cách sắp xếp từ các loại lá khô. Chỉ một chiếc lá rơi nhưng với tâm hồn nhạy cảm của thi nhân đã cảm nhận được mùa thu đang đến qua câu: “Ngô đồng nhất diệp lạc/ thiên hạ cọng tri thu” hoặc chỉ cần nhìn lá rơi nhưng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường như thấy được “em có nhắn gì theo lá rụng/ ký ức nào khẽ động vai tôi” và trong tuổi học trò lá cũng chính là thông điệp của “giây phút ban đầu lưu luyến ấy” khi bàn tay run run ép vào giữa cuốn vở một chiếc lá mộng mơ.

Sự xuất hiện của lá đã khiến bao tâm hồn thi nhân chao động, trong bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi, vào những thời khắc chiến tranh đầy hiểm nguy, giữa mưa bom bão đạn, tác giả đã có những phút giây xuất thần, cảm nhận được cái đẹp của núi rừng Trường Sơn, và hình ảnh người thiếu phụ lao ra giữa chiến trường đã được nhà thơ vẻ bằng một thi pháp tả thực rất hào hùng:

Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Với chiếc “Lá diêu bông” như một biểu tượng của trái tim, thi sĩ Hoàng Cầm đã nuôi dưỡng một tình yêu trong vắt, nồng cháy trong tâm hồn người nghệ sĩ, một cuộc kiếm tìm Lá diêu bông hư ảo, hoang tưởng cho đến cuối đời người:

Hai ngày em tìm thấy Lá

Chị chau mày

Đâu phải Lá Diêu bông

Mùa đông sau

Em tìm thấy Lá

Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị

Em tìm thấy Lá

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con

Em tìm thấy Lá

Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn

Từ thuở ấy

Em cầm chiếc Lá

đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời...

...ới Diêu bông...!

Nhạc sĩ Phạm Duy với bài Giọt mưa trên lá gồm nhiều hình ảnh nhân văn kêu gọi hòa bình và hứa hẹn niềm tin cho loài người.

Giọt mưa trên lá, nước mắt mặn mà

Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về

hay

Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì

Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế

Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi

Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người

Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì lại có những câu ẩn dụ đầy ngụ nghĩa trong nhạc phẩm Góp lá mùa xuân:

Mùa xuân lót lá em nằm

lót đầy hố hầm lót lời đạn bom...

Chỉ có lá, biểu tượng của sức sống, niềm hy vọng mới làm được công việc lấp đầy hố hầm và lót lời đạn bom, lá có thể hàng gắn, xoa dịu cơn đau của vết thương chiến tranh và hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong câu chuyện cảm động The last leaf (Chiếc lá cuối cùng) của nhà văn O’Henry đã đưa người đọc từ trạng thái tuyệt vọng sang hy vọng. Đúng vậy, chỉ một chiếc lá mà chứa đựng tất cả, hiểu được hành trình của chiếc lá chính là hiểu được hành trình của một đời người. Một thi nhân đời Đường khi nhìn thấy chiếc lá rơi đã cảm nhận đất trời:

“Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cọng tri thu”

Tạm dịch:

Một chiếc ngô đồng rơi

Màu thu nhuộm đất trời.

Người ta thường nói “Lá rụng về cội” và cội nguồn của lá chính là sự sống, là mặt đất. Nghĩ về phép lạ của lá, tôi chợt nhớ đến câu chuyện giữa hai cụ già trong một khu vườn tạp ở vùng quê xứ Huế. Một ngày đầu xuân, tôi ghé thăm khu vườn xưa cũ, người chủ mảnh vườn chỉ vào một thân cây, trên thân cây có gần 10 loại lá xanh tươi, ông trầm ngâm một lúc rồi nói: “thế giới của cây cỏ thật yên bình, sống chung với nhau trên một thân cây mà vẫn lên tươi tốt…”. Nghe cụ già nói tôi chợt liên tưởng đến một thế giới cộng sinh và nghĩ về đức hiếu sinh của vạn vật mà cổ nhân đã nói đến. Đang mãi mê theo dòng suy tưởng, bỗng vang lên giọng nói của vị khách già: “thực vật sống được như vậy là nhờ chúng không tư hữu, không tranh giành…”. Ôi, đầu xuân chỉ nhìn vào một gốc cây, trên đó có nhiều loài cây ký sinh đang phát triển, mà hai cụ đã nói chuyện của cả thế gian. Như vậy đó, chúng ta cùng một mái nhà, cùng một tiếng nói, cùng một màu da, cùng những nỗi đau và rộng hơn nữa là loài người sống cùng một trái đất, một quả địa cầu rất bé nhỏ so với vũ trụ. Vậy mà, con người cứ mãi gây nên chiến tranh, tàn sát lẫn nhau bằng những công cụ của nền văn minh, ám hại nhau vì tư lợi,… chúng ta đang đi ngược với đức hiếu sinh. Thế giới này sẽ tiếp tục khốn đốn vì một chữ “tư”; tư lợi, tư hữu, tư tình, tư thù,… ngày xưa tôi có làm câu thơ: “đời tôi chiếc lá lặng lẽ rơi”, nhìn lại cũng nằm trong chữ tư. Vậy là lặng lẽ không được rồi. Có lẽ chúng ta nên học đời sống cộng sinh của cây cỏ.

Chu trình của lá là một vòng quay hoàn hảo. Mùa xuân lá thắp lên bạt ngàn ngọn thanh lạp mang màu hy vọng khắp quê hương, mùa hạ lá như người từng trải, tạo nên từng tán rộng vươn xa để che nắng mưa cho người, cho đời. Vào mùa thu, từng đám lá lãng du cùng gió gợi nên cảm giác phiêu bạt, lãng mạn và kỳ ảo như đàn bướm vàng đang nô đùa trong ký ức tuổi thơ, khiến tôi nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Hoàng Nguyệt Xứ, tên thật là Hoàng Trọng Định, một thời từng là kỳ vương ở đất Cố đô, nhưng lại rất lãng đãng trong xứ mộng hoang liêu:

Trang Tử là con bướm

Đậu phải cành chiêm bao

Áo xanh và ngựa trắng

Như hình bóng qua đường

Đến mùa đông giá rét lá lặng lẽ thu mình trở về dưới cội đất bao dung mà rất nghìn trùng. Bốn mùa đổi thay, lá cũng chuyển mình theo tiết trời xuân hạ thu đông như một quy luật sống sinh thành hoại diệt rồi lại sinh những lộc nõn nghênh đón xuân về trong màu lục non trong lành. Cho dù ở mùa nào lá cũng đem lại lợi ích cho con người là thanh lọc, điều hòa môi trường, che nắng mưa và làm đẹp cho cuộc đời kể cả khi lá đã về với cội đất hóa thân vào cát bụi. Lá xứng đáng là bài học để gợi nhắc con người biết sống phải phép với thiên nhiên và hàm ơn tạo hóa. Như ngụ ngôn về một cõi hằng sống được nói đến trong các cổ thư, mà những thánh nhân đã ký thác bằng chính đời sống của mình để trao thêm niềm tin cho con người.

L.H.L

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em