Xuân về trên núi

10.01.2024
Phan Thu Loan

Xuân về trên núi

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Lấy chồng quê ở gần Thác Bản Giốc mà mấy chục năm nay Phương chưa hề giáp mặt cái thác nổi tiếng ấy bao giờ. Kể cũng lạ vì đã nhiều lần về ăn Tết Thanh minh tận Trùng Khánh giáp vùng biên giới, mà lần nào cũng như cưỡi ngựa xem hoa. Xong việc tảo mộ là lật đật đón xe quay ra Hà Nội, lên xe, lên máy bay về thẳng miền Trung mưa sa nắng lửa với nhiều lý do, nhất là “con không ai trông, nhà còn bao việc”...

Năm đầu mới cưới thì năm sau sinh con, hai vợ chồng Phương bàn nhau đợi con đầu tròn ba tuổi cứng cáp chút rồi dẫn nhau về quê. Hai năm sau đứa thứ hai chào đời, kế hoạch về quê chồng bị gác lại. Thời bao cấp lương hai người không đủ bốn miệng ăn, chẳng dư được đồng nào để dành cho cả nhà một chuyến đi xa đến hơn nghìn kilomet.

Nhưng sốt ruột quá, Phương vẫn cứ nằng nặc đòi chồng phải đưa cả nhà về quê chào họ nội, nhận mặt anh chị em, họ hàng. Vì từ ngày lấy nhau, ngoài ông anh chồng đại diện nhà trai vào dự lễ cưới, Phương nào đã gặp được ai. Nhà chồng nghèo, lại xa xôi, anh chồng vào đến đây mang theo cân trà, túi thuốc lá sợi, và hai trăm đồng tiền mặt, đủ để em dâu tương lai ra chợ Cồn mua một chiếc áo dài gấm cũ màu xanh da trời, về nhà tự gắn lên những bông hoa đào nhỏ màu hồng, màu trắng theo chữ cái đầu tên hai người. Chồng Phương trổ tài tìm một mảnh gỗ nhỏ, gọt gọt đẽo đẽo, tỉ mẩn cuốn từng điếu thuốc lá từ bao thuốc sợi ông anh mang vào, mỗi điếu thuốc còn đóng hai chữ song hỉ màu son bằng con dấu củ khoai tự khắc lấy.

Ngày cưới, Phương được chồng rước dâu bằng xe đạp. Vẫn là cái xe đạp cũ thường ngày anh đi làm. Vợ mặc áo dài ngồi sau, chồng diện áo vest đi mượn của bạn gò lưng đạp xe, vẫn cười nói vô tư không chú ý đến những ánh mắt lạ lẫm của người đi đường. Đầu những năm 80, ở miền trong này rất nhiều người vẫn chưa quen với đám cưới kiểu mới, đơn giản ở cơ quan, chủ yếu là bạn bè đôi bên như thế.

Cưới không có tiệc mặn, chỉ bánh kẹo và hoa tươi. Thêm những đĩa dứa thơm ngọt do vị giám đốc nông trường kết nghĩa tặng. Vậy mà Phương thấy vô cùng hạnh phúc. Cô luôn miệng mỉm cười, mỗi khi bắt gặp ánh mắt chồng. Hội trường ngập tràn tiếng hát tiếng cười, đến nỗi Phương ngày thường hay e ngại cũng lấy hết can đảm hát Bài ca hy vọng trong tiếng cổ vũ của mọi người. Bác chụp ảnh hôm ấy mỗi lần gặp Phương vẫn nhắc lại ấn tượng đẹp về lễ cưới giản dị và vui vẻ mà lần đầu bác ấy chứng kiến sau hàng chục năm cầm máy ảnh.

Chưa đủ tiền về quê chồng, nhưng Phương đã lo tích góp những món quà nho nhỏ để dành cho mọi người. Chiếc khăn len ấm cho chị Cả, cái áo gió cho anh Hai, cái mũ lông cho chú em, vài ba thứ đồ chơi cho các cháu... Cha mẹ chồng mất đã lâu, các cụ chỉ còn trong những hồi ức của chồng mỗi lần nhớ quê, lại đem ra kể. Phương nhất quyết rằng vào năm đứa con đầu lên bốn tuổi sẽ đưa cả hai về Cao Bằng, thì nhận được thư chị chồng nói đường đi trắc trở lắm, đồi núi quanh co, đưa các con nhỏ về là ốm hết đấy. Chị đi xe tải từ thị xã lên biên giới, vừa ngã gãy sườn đây này. Nghe vậy hãi quá vợ chồng Phương lại đành thôi...

Nhớ lại lần đầu về thăm quê chồng vào dịp tảo mộ mùng ba tháng ba âm lịch, là lúc con trai đầu Phương cũng sắp vào lớp 1. Phải cố gắng thôi, chứ khi con đi học rồi thì chỉ về được dịp nghỉ hè, chứ sao đi vào dịp Slan phằn (tảo mộ) được. Trên quê chồng, Tết Thanh minh mùng ba tháng ba còn được coi trọng hơn cả Tết Nguyên đán. Vợ chồng Phương gửi hai con cho ông ngoại và các cậu dì ở tỉnh bên, dắt nhau về Trùng Khánh.

Ngày ấy còn phải đi tàu ra Hà Nội, chứ tiền đâu đi máy bay. Ba giờ sáng đến Thủ Đô, nghe hơi rét nàng Bân châm chích lạnh buốt da thịt. Chịu hết nổi bèn lục hết những áo, khăn, giày, mũ... định làm quà phủ hết lên người, rồi lọ mọ tìm bến xe Giáp Bát để 6 giờ sáng lên xe về Cao Bằng.

Những cặp mắt đỏ ngầu vì thức khuya dậy sớm của bác tài và lơ xe đang tầm soát, dồn ép hành khách vào chiếc xe cũ mèm sắp vượt qua chặng đường hàng trăm kilomet đèo dốc hiểm trở. Phương chợt nghĩ đến mấy dòng thư nhắn nhủ của chị Cả mà e ngại quá.

Xe lên thị xã mỗi ngày chỉ vài chuyến thôi, chiếc xe khách hết niên hạn được độ lại, chậm chạm bò lên dốc. Qua những khúc quanh, nó lại nảy chồm lên trên những ổ gà, ổ trâu chằng chịt trên con đường ngoằn nghèo, một bên núi cao, một bên vực thẳm. Chồng Phương e ngại, chốc chốc lại nhìn sang vợ. Phương không bị say xe, nhưng cũng thấm mệt sau hàng giờ nảy lên, đập xuống chiếc ghế cũ, cứng muốn gãy lưng...

An ủi Phương là phong cảnh đồi núi điệp trùng trải dài suốt cuộc hành trình, đẹp như tranh vẽ. Nỗi mệt mỏi, lo lắng trên đường nhờ đó mà vơi bớt. Nghĩ đến lúc được gặp cả nhà chồng là Phương thấy vui vui lẫn hồi hộp. Sẽ được đi dự lễ Slan phằn đông vui, nghe chồng kể lại cũng đã thấy háo hức.

Sẩm tối mới về đến thị xã. Gặp được vợ chồng anh Hai và cháu, cười vui nổ nhà. Anh chồng là thương binh dáng gầy gò khắc khổ, Phương đã gặp rồi, còn chị dâu và cháu trai thì nay mới được gặp. Chị có nét mặt chất phác, hiền hậu của người miền núi, rất vui vẻ, xởi lởi làm Phương cũng đỡ bớt ngại ngần.

Bữa cơm tối với những món ăn miền Việt Bắc ngon và lạ như gà quay lá mắc mật, măng nhồi thịt băm, xôi ngũ sắc, bánh khảo, chè lam tự làm khiến Phương thán phục tài bếp núc của chị dâu. Sau bữa ăn, chị giục Phương tranh thủ tắm rửa xong thì ngủ sớm để sáng mai còn đi tảo mộ. Đêm đã khuya, Phương lạ nhà chưa ngủ được, vẫn còn nghe những âm thanh lách cách trong bếp. Chị dâu còn dọn dẹp bát đũa hay nấu thêm món gì nữa cho lễ cúng sáng mai chăng?

Trời tờ mờ sáng, Phương vừa nhận biết mình đang ở đâu thì đã nghe tiếng chim họa mi gọi nhau ríu rít. Nhớ ra là cần giúp chị dâu chuẩn bị cho ngày tảo mộ, nên Phương vội đẩy cửa bước ra sân. Khí lạnh ban mai ùa đến, mang theo hương thơm của hàng chục bông tầm xuân phớt hồng đang nở rộ trên vòm cổng. Từ nơi đây, có thể nhận ra thị xã ẩn hiện mờ mờ qua làn sương sớm. Nhà anh chồng ở trên lưng chừng đồi, tường xây, mái ngói, khá rộng rãi, không khí mát mẻ trong lành.

Trong bếp, chị dâu đang vớt gạo nếp ngâm trong mấy cái thau để đồ xôi. Lạ cái là nước ngâm gạo có đến mấy màu. Thấy Phương nhìn với vẻ tò mò, chị bảo đang làm món khẩu nua đăm đeng (xôi ngũ sắc). Màu tím thì ngâm lá cẩm vò nát, màu đen dùng lá sau sau, xanh thì lá gừng lá dứa, màu vàng ngâm bjoóc phón  phón hay nước củ nghệ, cộng màu trắng nữa là xong. Chị vừa nói vừa đổ từng màu gạo vào các ô khác nhau của khuôn gỗ trên chõ, rồi đậy nắp cời lửa to lên. Nhoáy cái chị đã thịt xong đôi gà, và khi xôi chín chị bắc nồi nước luộc lên bếp. Phương phụ chị dâu vặt lông gà, tấm tắc khen chị đảm đang. Chị cười hiền hậu: “Làm mãi rồi quen á em dâu”.

Lúc này cánh đàn ông vừa dậy, chuẩn bị bàn thờ cúng trong nhà trước khi ra mộ. Một phần xôi đủ màu được dâng lên cùng một con gà luộc và hoa quả. Mọi người thắp hương, rì rầm khấn khứa. Chị dâu sắp vào quang gánh những món chị đã nấu gồm xôi và các loại bánh, gà luộc, đậu phụ rán phồng nhồi thịt băm... Mỗi bên thúng còn chưa đầy đến nửa, Phương tự hỏi sao không xách mỗi người một túi cho gọn. Quang gánh chi cho cồng kềnh, lại vất vả cho chị dâu một mình phải gồng gánh?

Mọi người chia nhau đi trên hai chiếc xe máy cũ xuống chân đồi, rồi lại lên đường kéo vào nhà chị Cả. Chị bước ra vồn vã chào mọi người.

Chị Cả đẹp sắc sảo, không như người bản địa, chị đẹp như gái Tuyên, quê hương nhiều hoa hậu. Dáng dong dỏng, cao hơn cả chồng Phương, da trắng tóc dài, nét mặt trái xoan thanh tú. Điểm trừ duy nhất nơi chị là đôi môi mỏng, lại có nốt ruồi thịt trên khóe, nhìn có vẻ kỹ tính, khó gần. Chị đem ra một làn to đựng những xấp giấy cúng đủ màu được cắt tỉa kỳ công, rồi giục anh rể cất xe máy, đóng cửa đi cho kịp.

Bến xe đi Trùng Khánh đông nghèn nghẹt. Chị dâu và anh chồng ôm thúng ngồi cạnh vợ chồng Phương. Xe chật như nêm. Chếch trên đầu Phương, sát bậu cửa hậu là cái lồng to đùng nhốt đầy gà. Chúng chí chóe mổ nhau, rũ lông liên tục làm Phương phát khiếp. Chỉ sợ bị tương cho một bãi vào đầu, hay một bầy mạt gà rơi xuống cắn ngứa lở da. Chị Cả nhìn nét mặt ngán ngẩm của Phương, lườm một cái muốn rách mắt. May mà chồng Phương hiểu ý, lấy cái mũ len trên đầu xuống đội cho vợ. Hú vía, đỡ lo được đôi phần.

Xe đi được nửa buổi thì đến Trùng Khánh. Chỉ còn phải ghé nhà chú em lấy con heo quay đặt từ hôm qua là có thể lên đồi tảo mộ. Dắt díu nhau trèo lên ngọn đồi thấp (lại đồi), cả nhà sì sụp húp bát cháo lòng vợ chồng em trai nấu sẵn. Sáng giờ đi vội, nào đã kịp ăn uống gì đâu. Cháo lòng đúng thật chỉ có lòng non và huyết, còn tim gan với cật thì đem biếu mấy nhà xung quanh theo chỉ thị của chị Cả. Ăn xong thì hì hục xuống đồi, đợi mấy anh em khiêng ra con heo quay hơn chục ký. Chị dâu lúc này cười nói với Phương: có hai em năm nay về góp, mới đủ tiền cúng lợn. Mọi năm thì chỉ cúng gà. Chắc ông bà vui lắm, mừng con cháu ăn nên làm ra đới. Phương cười theo, nhớ mấy hôm trước chồng bảo đi rút tiền tiết kiệm để về quê. Chắc anh đã trích gửi ra để góp mua heo rồi.

Đôi thúng được sắp xếp lại, một bên heo, một bên là các loại đồ cúng khác. Phương xách làn hoa quả. Cây đào tiên trước ngõ đang trổ bông rực rỡ. Nhà em chồng xây đá tổ ong. Có khu vườn rộng kề bên, mua bằng một phần tiền bán căn nhà cha mẹ để lại. Vợ chồng Phương tuy hồi ấy còn rất nghèo, nhưng chồng Phương đã nhường lại phần mình cho mấy anh em trai ở quê theo lời khuyên của chị Cả. Phương biết chuyện chỉ nói: “Anh quyết định thế, em cũng bằng lòng, em không có ý kiến”. Biết rằng có nói gì cũng là chuyện đã rồi, có nói gì cũng chỉ làm vợ chồng mất vui, tuy trong lòng Phương cũng hơi tủi, nghĩ đến lúc cưới mình, nhà chồng nghèo cũng không có cái nhẫn vàng nào để tặng làm kỷ niệm. Nhớ đến lúc con út gãy tay, không vay ai được một chỉ vàng để mổ nối khớp. Phương phải đi nhờ người quen ở trung tâm chỉnh hình bày cách tập vật lý trị liệu rồi tự mình nắn chỉnh, để cho tay con thẳng lại sau một tháng gỡ bột ra bị cong như cái vá. Mỗi lần chườm nóng để kéo thẳng, con đau không kêu khóc, còn cố kể chuyện Tôn Ngộ Không cho mẹ nghe để quên đau, mẹ thương con đứt ruột cũng ráng không khóc để con khỏi sợ. Con chỉ mới bốn tuổi thôi. Mẹ nào không đau xót...

Vừa đi vừa nghĩ ngợi thì cả đoàn đã ra đến dãy mộ đầu tiên. Đường mòn lên đồi chỉ toàn đi bộ. Chị dâu gánh lễ đi trước, chân thoăn thoắt. Bây giờ Phương mới hiểu tác dụng của đôi quang gánh. Chứ xách lễ khệ nệ va quệt cây cối thì lễ cũng xô lệch, xộc xệch hết. Cả khu đồi rộng nhìn đâu cũng thấy người người đi tảo mộ. Họ từ khắp mọi miền trở về quê, cùng nhau ra nơi chôn cất của gia tộc mình để dọn dẹp, nhổ cỏ trước khi đặt lễ. Nhiều dãy mộ đã được cắm chỉa sèn khoen (cây nêu) sặc sỡ, nhìn từ xa như một vườn hoa xuân phất phơ trong gió. Theo tục lệ, tảo mộ xong người địa phương cắt giấy xanh đỏ trắng buộc thành chùm treo đầu ngôi mộ là để báo rằng ngôi mộ này hàng năm vào dịp Thanh minh con cháu vẫn thường xuyên đi đặt lễ. Mộ không treo nêu thường là vô chủ, hay con cháu ở xa không thăm viếng được hoặc không còn ai thắp hương nữa.

Khu mộ nhà chồng Phương nằm trên ngọn đồi thoai thoải, được em chồng phát cây, dọn cỏ từ hôm qua, sạch sẽ và quang đãng. Chiếc chiếu hoa được trải ra, heo, gà, xôi, bánh, rượu, giấy cúng... được bày biện rất đẹp mắt trước ngôi mộ ông tổ. Xung quanh là các ngôi mộ của ông bà, cha mẹ, họ hàng...

Cúng vái, dựng nêu xong, cả nhà trải thêm chiếc chiếu hoa nữa, cùng ngồi lại quây quần thụ lộc. Chị dâu thấy Phương ngần ngại nhìn những miếng heo quay dày mỡ, béo quá không dám ăn. Hiểu ý, chị cầm lên, bóc riêng lớp da giòn tan, đưa cho Phương, phần còn lại chị chấm muối tiêu ăn ngon lành. Chắc chị lao động nhiều nên không ngại ăn mỡ. Chị Cả thấy thế, đưa mắt nhìn Phương tỏ ý không hài lòng. Phương lúc ấy còn mãi dòm qua khu mộ kế bên. Những người quen quanh đó gọi mời nhau cùng qua lại ăn uống vui như tết. Mà đúng là tết thật, Tết Thanh minh, Tảo mộ, Đạp thanh, Slan phằn tùy theo cách gọi của cộng đồng các dân tộc chung sống trên mảnh đất này.

Trên đường về, cả nhà ghé vào chợ Cóong Phù, còn gọi là Đình chợ. Chợ rộng rãi, được dựng bằng mấy hàng cột gỗ, mái ngói nâu như cái đình dưới xuôi, chỉ khác không có tường bao. Ngôi nhà cũ của Pa chồng Phương nằm sát chợ, cửa đóng then cài, chắc chủ mới còn tảo mộ chưa về. Nhìn nét mặt chồng, Phương biết anh đang xao lòng khi đứng trước căn nhà gỗ, mái ngói thẫm rêu, nơi cất giấu những kỷ niệm vui buồn về cha mẹ mà anh đã kể cho Phương nghe. Tài bốc thuốc của Pa cùng tủ thuốc nam, thuốc bắc nhiều hộc, từng chữa khỏi cho bao người, đã không cứu được người vợ mà Pa rất yêu thương khi bà sinh con út bị sót nhau. Lúc ấy chồng Phương vừa lên ba tuổi. Sinh nghề tử nghiệp, Pa từng đau đớn cắn chặt răng đến ứa máu khi mẹ lịm dần trên tay Pa vì bị sốc nhiễm trùng, không cách gì cứu được. Từ đấy Pa hận trời trách đất rồi nhất quyết bỏ nghề thuốc, đêm đêm ngồi bên bếp lửa, môi bập bập điếu thuốc quấn bằng lá cây thuốc phiện phơi khô, mắt loang loáng nước...

Nhà chồng Phương sa sút từ dạo ấy. Đang khá giả dần trở nên thiếu thốn. Cả tháng ăn cháo ngô, hôm nào có thìa mỡ lợn đun nóng rưới lên xem như sơn hào hải vị. Anh chồng đi bộ đội, chị Cả đi thoát ly, công tác tận Thái Nguyên. Còn lại Pa với chồng Phương ở lại căn nhà cũ. Pa trở nên khó tính, hay gắt gỏng, chả thiết làm ăn sau cái chết của mẹ. Phiền muộn, Pa ốm nặng.

Nhà không còn thuốc, chồng Phương khi ấy học lớp 9, một mình băng rừng, đi bộ gần 15 kilomet, sang tận bên kia biên giới, tìm người lúc trước vẫn bán thuốc cho Pa theo chỉ dẫn tiếng Việt ghi trên mẩu giấy, bên dưới là đơn thuốc chữ Tàu loằng ngoằng. Lấy thuốc xong, chồng Phương khi ấy mới tròn 14 tuổi, vẫn còn là đứa trẻ nhỏ quắt, hay bị đám bạn học nghịch ngợm gọi là Sĩ nhắt, lại lội núi trèo đèo về lại thị trấn. Ngang qua cái hang đen ngòm, nghe tiếng động lịch bịch cùng tiếng thở dốc không biết của con gì, cậu đâm hoảng, nháo nhào chạy xuống núi. Trượt chân ngã, trán vập ngay vào hòn đá sắc, rách một miếng, máu chảy đầm đìa. May mà túi thuốc vẫn đeo bên mình, chưa bị rơi mất. Sau cơn hoảng loạn, cậu đành xé tay áo, cột ngang trán cầm máu, cố chịu đau tiếp tục đi. Nếu mặt trời lặn, rừng sẽ tối rất nhanh. Không nhìn thấy đường sẽ bị lạc. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong màn đêm âm u thời ấy còn đầy cọp, beo, rắn rết...

Pa cũng nhờ chỗ thuốc ấy mà khỏi bệnh. Rồi Pa lấy vợ mới, đẻ thêm con trai, chồng Phương học xong đại học, vào miền Trung thực tập rồi ở lại hành nghề luôn trong ấy.

Lần chiến tranh biên giới, Pa và cả nhà bỏ trốn vào hang Phia Phủ, chị Cả đem con vào tận cảng Cam Ranh tìm chồng là bộ đội hải quân. Anh Hai đang đóng quân ở biên giới Tây Nam. Chồng Phương thì ở Đà Nẵng. Gia đình ly tán mỗi người một ngả. Bệnh cũ tái phát, Pa không có thuốc chữa. Giặc vừa rút xong, Pa về nhà được ít lâu thì qua đời. Ngày chồng Phương lật đật về tới nhà thì Pa đã mồ yên mả đẹp...

Trước khi quay về thị xã Cao Bằng, đại gia đình ghé thăm nhà bà Bá, mẹ nuôi chồng chị Cả. Bá năm nay đã già, lưng còng sát đất, nhưng vẫn minh mẫn, nói cười vui vẻ. Trò chuyện một lúc, Bá hỏi thằng Sĩ có dạy tiếng Nùng cho Phương không? Phương thật thà thuật lại câu chồng Phương vẫn nói mỗi lúc trêu vợ: Nọong điếp vị slai (Em yêu anh lắm). Bá bật cười, cả nhà cùng cười theo, duy chị Cả lại cau mặt lườm Phương làm mọi người im bặt nhìn nhau, mất cả hứng.

Lại về qua Đình chợ, chị Cả bảo mọi người vào nhà em chồng trước, chị cùng Phương ghé chợ mua vài cây mía, để cả nhà ăn cho đỡ mệt. Bà già bán mía mặc đồ dân tộc Nùng, bà lắc đầu nguây nguẩy khi chị Cả trả giá. Chị hơi bực mình, gắt gỏng với bà, cả với Phương nữa. Bây giờ, khi chỉ còn hai chị em, chị Cả mới xả hết cơn giận về những lỗi cư xử mà Phương đã vô ý mắc phải từ sáng đến giờ.

Chia tay vợ chồng em trai trước căn nhà có cây đào đang trổ những bông hoa cuối mùa, Phương nghe lòng buồn lạ. Vừa mới gặp mà bỗng thương hai em dáng người khắc khổ, gầy gò, đứng bên hiên nhà vẫy mãi đoàn người đi xa dần.

Chuyến xe về thong thả rộng rãi hơn lúc sáng vì đã vơi bớt đồ lễ. Lúc này Phương mới có dịp ngắm kỹ núi đồi trùng điệp lướt qua khung cửa xe. Đang giữa đất bằng, hay bờ cỏ rộng, tự nhiên mọc lên một ngọn núi nhỏ hay quả đồi đơn độc, núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, trông xa như chồng bát úp. Chắc vì thế vùng đất này mới có cái tên Cao Bằng.

Đi ngang đồi hạt dẻ, những thân cây cổ thụ to hơn một vòng ôm, đang trổ những chùm hoa vàng li ti. Hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng ngon ngọt, to bằng đầu ngón chân cái, nướng lên thơm nức mũi. Mỗi bận thu tàn, nhà Phương lại được nhận vài cân hạt dẻ của anh chị gửi vào, chồng Phương khía một đầu hạt, luộc lên, để nguội rồi rang lại. Hạt dẻ chín nứt ra, rất dễ tách. Ăn hạt dẻ nóng vào những tối mưa lành lạnh, cả nhà Phương đều nắc nỏm khen ngon.

Sẩm tối về đến thị xã, ai về nhà nấy, đem theo phần thịt heo còn lại được chia đều. Phương cũng thấm mệt sau một ngày đường vất vả nhưng thật vui. Ăn tối xong, hết lời giữ vợ chồng Phương ở lại không được, chị dâu giục Phương đi ngủ sớm, lấy sức cho ngày mai lại một chặng đường dài đi xe khách về Hà Nội, rồi lên tàu vào Đà Nẵng. Các con chờ ba mẹ đã mấy ngày rồi, Phương cũng nhớ hai đứa đến đến nóng cả ruột.

Cầm phong bì đựng tiền Phương đưa biếu, chị dâu bùi ngùi nói: “Sao các em cho anh chị mãi thế này, ngại lắm”. Phương cười: “Chị cứ cầm đi để sắm thêm lễ, năm nào chúng em không về được, sẽ gửi thêm cho nhà mình cúng lợn chị nhé!”.

Sáng hôm sau, vừa nghe bầy chim ríu rít quanh chùm hoa tầm xuân trước cổng, vợ chồng chị Cả đã đẩy cổng bước vào. Chị mang theo một túi vải đựng hơn chục miếng thịt bò ướp muối gừng sấy khô. Chị bảo các em đem vào trong ấy, chịu khó xắt mỏng ra xào với mắm gừng, em trai biết làm đấy, làm cho em dâu ăn để biết đặc sản Cao Bằng nhé.

Phương lóng ngóng đón nhận cái túi chị đưa, ngạc nhiên thấy mắt chị rơm rớm. Chị nhìn vợ chồng Phương với vẻ thương mến, khác hẳn thái độ khó chịu hôm qua.

Chị Cả chắc hồi trẻ đã phải cáng đáng việc nhà và chăm sóc đàn em nhỏ khi mẹ mất sớm, nên tính chị nghiêm khắc, không dễ gần, nhưng Phương chắc chị cũng là người sống tình cảm. Phương cũng nhận ra mình hơi vô tâm, không ý tứ nên đôi lúc đã làm chị buồn.

Mọi người tiễn vợ chồng Phương ra tận bến xe khách. Ngồi trên xe, Phương cũng không nén được thương cảm, khi Phương vẫy tay chào cả nhà chồng.

Chuyến xe lăn trên dặm đường dài qua những rặng núi nở đầy hoa mơ, hoa mận trắng tinh khôi, điểm xuyết những cây đào sắc hồng ấm áp, xua tan hơi lạnh của một sáng mùa xuân trên rẻo cao, nơi có những ký ức, những kỷ niệm mà Phương sẽ ghi nhớ suốt đời.

P.T.L

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em