Ứng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trước

10.01.2024
Vân Trình

Ứng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trước

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số thành viên nhóm tình báo “Con Nai” tại Hà Nội năm 1945.

80 năm trước, Bác Hồ từng gặp một viên Trung úy phi công Hoa Kỳ thuộc lực lượng Đồng minh chống phát xít trong Thế chiến thứ 2 (1939 - 1945) - mở đầu cho mối quan hệ bang giao Việt - Mỹ. Câu chuyện về ứng xử độc đáo của Người với vị khách đặc biệt này thể hiện tài trí và đức độ của vị lãnh tụ kính yêu ở một thời điểm rất quan trọng, liên quan mật thiết đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam.

Thân mật như người cha

Trong hồi ký in trong cuốn Bác Hồ với đất Quảng (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000), ông Cao Hồng Lãnh, nguyên Phó Ban Đối ngoại Trung ương, một người từng có thời gian sống gần bên Bác Hồ ở Pác Bó cho biết: “Vào khoảng năm 1944, tôi xuống cơ quan báo Việt Nam Độc lập ở Cao Bằng… Tờ báo do anh Đồng (tức cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - NV) phụ trách. Cơ quan đóng trên thành nhà Mạc cũ, trong vùng rừng Nước Hai. Một hôm chúng tôi nghe có tiếng máy bay rú, tiếng nặng khác thường. Hôm sau địa phương báo có phi cơ Đồng minh rơi, phi công đang chạy trốn. Đồng bào lùng rừng đã bắt gặp người phi công đó. Người phi công sợ rút tờ giấy bạc ra để dâng, ai cũng khoát tay, không thèm lấy. Sau khi nói với nhau bằng các cử chỉ, người phi công hiểu và để cho đồng bào đưa về cơ quan và cử người lên báo cáo anh Đồng. Anh Đồng giao cho tổ tôi đưa người phi công này lên chỗ Bác ở vùng giáp biên giới”.

Ông Hoàng Quốc Việt, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả cuốn hồi ký Đường Bác Hồ chúng ta đi, cho biết: “Anh (tức Cao Hồng Lãnh - NV) đưa Sao (tức Willliam Shaw - tên viên phi công Mỹ - NV) đến trước mặt Bác. Nhìn Sao, Bác tươi cười, bắt tay anh ta, kéo anh ta ngồi xuống cạnh mình và nói chuyện hết sức thân mật:

- Quê anh ở bang nào thuộc nước Mỹ?

Nghe Bác hỏi bằng tiếng Anh rất chuẩn, Sao ngạc nhiên, nở nụ cười rạng rỡ, đáp:

- Thưa ông, tôi ở Tếchdát.

- Anh đã có vợ chưa?

- Thưa ông, tôi đã có vợ.

- Anh có muốn về Mỹ gặp lại vợ không?

- Thưa ông, rất muốn.

- Chúng tôi sẽ trao trả ông cho lực lượng không quân Mỹ tại Trung Quốc.

- Thưa ông, nếu được như vậy quả là niềm vinh hạnh đối với tôi.

Rồi Bác bảo anh em bố trí nơi ăn, chốn ở chu đáo cho anh ta. Khi về chỗ nghỉ, Sao hết lời ca ngợi “ông cụ”, rằng: “Ông ấy nói tiếng Anh nghe rõ quá, lại đối xử với tôi thân mật như cha tôi vậy”. Sau khi gặp Bác, tinh thần của Sao phấn chấn hẳn lên. Mấy hôm sau, Bác bảo các cô gái địa phương kiếm chỉ thêu chữ “Chúc mừng” (Greeting) trên mảnh lụa trắng tặng Sao. Nhận tặng phẩm, Sao xúc động đến rơi lệ. Anh ta không ngờ tại nơi núi rừng heo hút này lại có người đối xử với anh ta văn minh như thế”.

Chuyến đi lịch sử

Trong một bài viết đăng trên An ninh thế giới số 60 (294) ra ngày 29/8/2002, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại rằng, “cuối năm 1944, Bác Hồ có chuyến công tác sang Trung Quốc. Mục đích chuyến đi này là gặp Bộ Tư lệnh quân Đồng minh đang đóng ở Côn Minh (Vân Nam) để bàn về việc Mỹ hợp tác với Mặt trận Việt Minh đánh Nhật. Có thể nói đó là một trong những cuộc trường chinh gian khổ nhất trong cuộc đời hoạt động của Bác và kết quả đạt được của chuyến công tác cũng thật bất ngờ. Chỉ với một chuyến đi, Bác đã gây được thiện cảm với người Mỹ, tranh thủ giúp đỡ của Mỹ để đánh Nhật, đồng thời tạo được thế vững chắc cho phong trào cách mạng”.

Chuyến đi này, Bác mang theo viên phi công Mỹ Willliam Shaw với mục đích “làm quà” cho C.Chennaul, viên tướng Tư lệnh Tập đoàn không quân 14 của Mỹ đang đóng bản doanh ở Vân Nam. Đây là một “nước cờ” rất hay của Bác và cũng chỉ có Bác mới đủ trình độ mọi mặt để thực hiện “nước cờ” này. 

Thượng tướng Phùng Thế Tài hồi tưởng lại “chuyến đi quan trọng và dài ngày” như sau: “Hơn nửa thế kỷ qua rồi mà bây giờ nghĩ lại, tôi còn cảm thấy bàng hoàng. Quãng đường dài hơn 1.000 km, từ Pác Bó đến Côn Minh, chủ yếu là đi bộ luồn rừng, leo núi mà lại còn phải đưa theo viên phi công Mỹ, biết bao nguy hiểm dọc đường phải vượt qua. Trước khi đi, Bác bảo tôi chuẩn bị nửa cân thịt lợn, nửa cân muối, nửa cân ớt rang khô lên rồi cho vào một ống bương…”. Điều đáng nói là trên đường đi, viên phi công Mỹ được ăn bánh mì kẹp thịt ngon lành và đi ngựa thì Bác lại ăn uống kham khổ và đi bộ. Biết ông Phùng Thế Tài không yên tâm, Bác mỉm cười an ủi: “Cho cậu ta ăn ngon một tý để cậu ta đi đến được Côn Minh là có lợi cho mình nhiều lắm”. Cuối cùng, sau ròng rã 11 ngày đi bộ, 4 ngày đi tàu hỏa và hơn một tuần sốt rét phải nằm dọc đường, cả đoàn cũng đến được Côn Minh. 

Thời gian sau đó, trong cuộc gặp gỡ Bác, tướng C.Chennaul, Tư lệnh Tập đoàn không quân 14 của Mỹ ở Trung Quốc, đã chân thành cảm ơn Bác và Việt Minh đã cứu thoát, chăm sóc hết sức tử tế viên phi công. Về phần mình, Bác khẳng định quan điểm của Việt Minh là ủng hộ và đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Tướng Chenaut đã trao cho Người thuốc chữa bệnh và tiền tặng những người Việt Nam đã cứu sống Shaw. Song, Bác chỉ nhận thuốc men, không nhận tiền. Hành động, cử chỉ của Người khiến vị tướng Mỹ hết sức nể phục một nhân cách cao thượng của người lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Để đáp lại, Chennaul đã thực hiện một số việc giúp đỡ cụ thể và có hiệu quả đối với phong trào cách mạng của Việt Nam. Theo đó, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Minh và Đồng minh nhanh chóng được thiết lập. Một chủ trương về việc Mỹ giúp đỡ vũ khí, phương tiện liên lạc và huấn luyện quân sự cho lực lượng Việt Minh chống phát xít đã được hai bên thỏa thuận. Thực hiện giao ước này, các cán bộ Việt Minh ở Côn Minh đã viết truyền đơn bằng tiếng Việt gửi đến Không quân Mỹ để đem rải 8 vạn tờ ở miền Bắc Việt Nam khiến cho uy tín của Việt Minh tăng lên nhanh chóng như một lực lượng của phe Đồng minh chống phát xít. Ban không trợ mặt đất của Mỹ đã lập một mạng lưới vô tuyến điện từ Hà Nội đến Sài Gòn theo kế hoạch của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) và trung úy C. Fenn, phụ trách nhóm tình báo Đồng minh hoạt động ở Việt Nam, được giao nhiệm vụ làm liên lạc giữa OSS và Việt Minh.

 

Đáng chú ý là ngày 16/7/1945, một toán đặc nhiệm của OSS mang biệt danh “Con Nai” (The Deer Team) gồm 5 thành viên đầu tiên đã nhảy dù xuống khu vực Tân Trào. Đội “Con Nai” được bố trí ở trong khu rừng Nà Lừa, cách lán chính của Bác khoảng 30m về hướng bắc. Trong thời gian ở Việt Nam, hợp tác với Việt Minh, những người bạn Mỹ này đã giúp đỡ việc huấn luyện quân sự cho cán bộ Việt Minh ở các khóa học của Trường Quân chính kháng Nhật và viện trợ cho Việt Minh một số vũ khí hiện đại có tác dụng nhất định thị uy với kẻ thù. Về mặt Đại đội Việt - Mỹ làm lễ xuất quân. Chính sự xuất hiện của Đội “Con Nai” bên cạnh Việt Minh đã nâng vị thế của những người du kích Việt Nam trở thành chiến hữu của phe Đồng minh chống phát xít. Đội “Con Nai” còn cùng các chiến sĩ Việt Minh thành lập "Đại đội Việt - Mỹ" khoảng 200 người, do đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu I, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) làm Chỉ huy, Thiếu tá A.K.Thomas làm Cố vấn. Chính đơn vị này đã tham dự lễ xuất quân từ cây đa Tân Trào sau khi Quốc dân Đại hội và Quân lệnh số 1 phát động khởi nghĩa.

Trong cuốn Why Vietnam?, khi nhắc về câu chuyện giữa Bác Hồ và viên phi công Mỹ, tác giả Archimedes L.A Patti đã nhận định: “Đây là một dịp thuận lợi để Ông Hồ đề cao phong trào cách mạng với người Mỹ và làm cho họ phải chính thức công nhận phong trào của Ông”.

Vĩ thanh

Ngày 17/12/2015, Bộ Ngoại giao đã bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bộ kỷ vật liên quan tới vụ phi công Mỹ bị bắn rơi tại Cao Bằng năm 1944 gồm thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi viên phi công này, nhật ký của anh ta trong thời gian từ ngày 1 - 26/11/1944, các giấy tờ liên quan của viên phi công trong thời gian này và đặc biệt là một thẻ thông hành có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ kỷ vật này được cán bộ Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài tâm huyết sưu tầm và chuyển về nước. Đây là một trong những tài liệu gốc, rất có giá trị lịch sử, là minh chứng cho những hợp tác đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ.

V.T

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em