Đà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộc

10.01.2024
Bùi Văn Tiếng

Đà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộc

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng dưới thời Pháp thuộc - Nguồn: EFEO

Thời Pháp thuộc ở Đà Nẵng được tính từ khi người Pháp chính thức thành lập thành phố nhượng địa Tourane vào năm 1889 cho đến khi bàn giao quyền lực trên thực tế cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam vào năm 1954 theo tinh thần Hiệp định Genève. Trong hơn sáu thập niên Pháp thuộc, Đà Nẵng đã từng chào đón sáu năm Thìn: Năm Nhâm Thìn 1892, năm Giáp Thìn 1904, năm Bính Thìn 1916, năm Mậu Thìn 1928, năm Canh Thìn 1940 và năm Nhâm Thìn 1952.

*

Trước hết là về năm Nhâm Thìn 1892. Đây là thời điểm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng bắt đầu được hình thành theo lệnh của Công sứ Pháp tại Tourane và Faifo là Charles Lemire khi ông cho chuyển 50 pho tượng Chăm về Công viên Tourane - một gò đất cao nằm giáp với chùa Thủ Long làng Nại Hiên Tây - đưa Công viên Tourane dần trở thành một khu vườn tượng lộ thiên. Năm Nhâm Thìn 1892 cũng là năm Nha Hải phòng Quảng Nam thành lập từ năm 1874 niên hiệu Tự Đức thứ 27 đóng trên địa bàn xã Nam Dương được dời sang xã Bình Thuận (gần trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo trên đường Trưng Nữ Vương ngày nay). Ngày 31 tháng 3 năm 1892, Toàn quyền Đông Dương Lanessan ban hành nghị định thành lập Hội đồng thành phố Tourane, đến ngày 04 tháng 4 năm 1892, Toàn quyền Đông Dương Lanessan ra quyết định giao cho Khâm sứ Trung Kỳ trách nhiệm quản lý Hội đồng thành phố Tourane. Cuối năm Nhâm Thìn 1892, Sở Lục lộ Tourane được thành lập, “do một viên chức Công chính, biệt phái cho Quan cai trị - Đốc lý, điều hành. Ông này giữ chức Chánh Sở Lục lộ và có nhân viên dưới quyền là các giám thị người Âu. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Sở Lục lộ được quy định tại Nghị định ngày 16 tháng 12 năm 1892” (dẫn theo Bùi Thị Hệ: Đà Nẵng năm 1906, trang web của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước).  

Tiếp theo là năm Giáp Thìn 1904. Đây là năm mà nhà cách mạng quê Đà Nẵng Thái Phiên đã lãnh đạo nhân dân làng Nghi An đấu tranh chống việc cướp đất lập đồn điền cà phê của Gravelle thường được gọi là Tây Kho bạc - một mặt nhân dân sở tại làm đơn kiện chính quyền thực dân, mặt khác tổ chức cuộc đấu tranh quyết liệt trên thực địa và vụ tranh chấp này kéo dài đến ba năm với kết quả là buộc Gravelle phải trả lại đất cho dân (qua hồ sơ mang số hiệu 36 lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Hà Nội, được ghi dưới tiêu đề Contestation des terrains entre les habitants du Village de Nghi An Quang Nam et Gravelle, Dierecteur de l’ Indochine à Tourane - 1904/ Sự tranh giành về đất đai giữa dân chúng làng Nghi An Quảng Nam với ông Gravelle, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Đà Nẵng năm 1904) trong Thư khố Tòa hòa giải rộng quyền Đà Nẵng/ Tribunal de Paix de Tourane, cho thấy tính chất khốc liệt của cuộc đấu tranh và tính can trường của Thái Phiên khi ấy mới 22 tuổi). Năm Giáp Thìn 1904 cũng là năm sinh của nhà cách mạng quê Đà Nẵng Lê Văn Hiến - người đầu tiên được giao giữ chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Thái Phiên hồi tháng 8 năm 1945.

Thời điểm này, nghệ thuật biểu diễn thoại kịch cũng rất sôi nổi ở thành phố bên sông Hàn: Trong cuốn Đông Dương ngày ấy 1898-1908 (bản dịch tiếng Việt của Lưu Đình Tuân, NXB Lao Động, 2009), Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội Claude Bourrin kể về sân khấu Đà Nẵng năm 1904: “Ở Đà Nẵng không có nhà hát, bù lại ở đây có một câu lạc bộ của người Pháp rất năng động. Khi tôi tới thì vừa khéo câu lạc bộ đang chuẩn bị một vở kịch ngắn cho lễ hội hằng năm (...) Còn 8 ngày nữa thì câu lạc bộ cho ra mắt vở Tấn kịch Đà Nẵng (Tourane Revue). Chính trong khoảng thời gian đó, chủ tịch câu lạc bộ là ông Escande, Giám đốc Bưu điện Trung Kỳ, tới gặp tôi đề nghị đóng thay cho một diễn viên phải vào bệnh viện (...) Thế là lần đầu tiên tôi xuất hiện trên sân khấu trong vở Tấn kịch Đà Nẵng”. Về nghệ thuật điêu khắc, năm Giáp Thìn 1904 cũng là năm Henri Parmentier - người sẽ kế thừa và hoàn thiện ý tưởng xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm Giáp Thìn 1892 của Charles Lemire - được bổ nhiệm làm Trưởng bộ phận khảo cổ của Viện Viễn Đông Bác cổ EFEO (không phải ngẫu nhiên mà ngày 11 tháng 3 năm 1936, Musée Cam de Tourane chính thức được khánh thành với sự chứng kiến của vua Bảo Đại và được đổi tên thành Musée Henri Parmentier - như vậy cột chỉ đường đặt ở góc ngã ba đường Bạch Đằng và đường Thành Điện Hải hiện nay chỉ đường đến Musée Henri Parmentier ra đời sớm nhất là từ tháng 3 năm 1936). Đây cũng là thời điểm khánh thành Nhà nguyện giáo họ Tùng Sơn thuộc Giáo xứ Phú Thượng được xây dựng theo kiến trúc Gothic của Pháp.

Tiếp theo nữa là năm Bính Thìn 1916. Đây là thời điểm thứ hai trong hai thập niên đầu thế kỷ XX (thời điểm thứ nhất là năm 1908 với cuộc Trung Kỳ dân biến khởi đầu từ huyện Đại Lộc gắn với sự hy sinh của Ông Ích Đường cháu nội Ông Ích Khiêm), Đà Nẵng bị thực dân Pháp đàn áp dã man sau khi “cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung Kỳ năm 1916” - hay còn gọi là “cuộc vận động khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916”, hoặc “cuộc vận động khởi nghĩa Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916” - không thành. Nhà cách mạng quê Đà Nẵng Thái Phiên được xem là “kiến trúc sư trưởng” của cuộc vận động khởi nghĩa và đã chủ trì ba hội nghị chuẩn bị cho đại cuộc này, trong đó hội nghị lần thứ ba mang tính quyết định được tổ chức tại nhà Tú tài Đỗ Tự làng Miếu Bông ngày 27 tháng 4 năm 1916. Cuộc vận động khởi nghĩa Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916 thất bại, ngọn lửa báo hiệu giờ khởi nghĩa đã đến trên đỉnh đèo Hải Vân không thể được bùng cháy như quy ước, thực dân Pháp thẳng tay xử chém Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu vào chiều ngày 17 tháng 5 năm 1916 tại bãi chém An Hoà ở Huế; đã lưu đày biệt xứ vua Duy Tân đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương trong năm 1916 và đã bỏ tù rất nhiều người yêu nước trong đó có những người Đà Nẵng như Lâm Nhĩ người làng Cẩm Toại (chết tại nhà tù Lao Bảo ngày 18 tháng 9 năm 1916), như Lê Bá Trinh người làng Hải Châu (vượt ngục Lao Bảo vào năm 1925); như Đỗ Tự người làng Diệm Sơn nhưng sống ở làng Miếu Bông quê vợ (bị giam tại nhà lao Trà Kê trong Tuy Hoà)… Năm Bính Thìn 1916 cũng là năm sinh của nhà thơ Xuân Tâm/Phan Hạp - người từng làm việc ở Kho bạc Tourane thời Pháp thuộc và là một trong những nhà Thơ Mới Việt Nam giai đoạn 1932-1945 từng nổi tiếng với bài thơ Nghỉ hè sáng tác năm - là bài thơ đoạt giải Nhất trong cuộc thi thơ của báo Bạn đường và sau đó được chọn vào sách giáo khoa tiểu học. Đây cũng là thời điểm vận tải đường sắt ở Đà Nẵng phát triển mạnh, tuy nhiên một cơn bão lớn trong năm Bính Thìn 1916 đã làm tê liệt hoàn toàn tuyến đường sắt Tramway de l’Ilot de l’Observatoire à Faifoo theo kiểu Decouville nối Tourane với Hội An được khởi công xây dựng vào giữa năm Giáp Thìn 1904.   

Đến năm Mậu Thìn 1928 cũng chính là thời điểm cuốn sách Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được Đỗ Quang và Lê Quang Sung thuộc Chi hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam tổ chức in lại bằng đông sương tại nhà bà Phán Thạnh ở Giếng Bộng làng Nại Hiên Tây để lưu hành khắp Tourane cũng như đất Quảng và Trung Kỳ. Đây cũng là năm Tân Việt Cách mạng Đảng của Đào Duy Anh mở hiệu sách Trung Tân ở Rue Marc Pourpe (nay là đường Phan Châu Trinh) làm đại lý bán sách của Quan Hải tùng thư xuất bản ngoài Huế, phần lớn là sách theo khuynh hướng marxisme được Đào Duy Anh và các cộng sự biên soạn hoặc biên dịch bằng chữ Quốc ngữ - trong đó có một người Đà Nẵng là Trần Đình Nam đang hành nghề y sĩ ở Huế đã biên soạn cuốn sách nhan đề Trí khôn (Tâm lý học nhập môn) nhằm giải thích cấu tạo và hoạt động của bộ óc. Ngày 29 tháng 7 năm 1928, Đà thành Nữ công học hội được thành lập góp phần vào phong trào đấu tranh bình đẳng giới của Tourane và của Trung Kỳ. Năm Mậu Thìn 1928 cũng là năm École de plein d΄exercices de Tourane/Trường Toàn cấp Tourane tách số nữ sinh cùng học trò Pháp vào một trường mới mang tên École des Jeunes Filles/Trường Con Gái Tourane (nay là cơ sở II của Trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh) và đổi tên trường thành École des Garcons de Tourane/Trường Con Trai Tourane (nay là Trường Tiểu học Phù Đổng) do thầy giáo Nguyễn Khoa Túc làm hiệu trưởng - nhà thơ Tố Hữu từng học chung lớp với nhà báo Đoàn Bá Từ ở Trường Con Trai Tourane.

Năm Canh Thìn 1940 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Thời điểm này người Pháp mở rộng sân bay Tourane, dẫn đến Nghĩa trủng Hoà Vang được quy tập và xây dựng vào năm Bính Dân 1866 niên hiệu Tự Đức thứ 19 từng phải di dời lần thứ nhất từ làng Nghi An đến một địa điểm mới ở làng Khuê Trung (vẫn chưa phải là địa điểm hiện nay). Ngày 28 tháng 7 năm 1940 quân đội Nhật chiếm đóng thành phố Tourane, biến nơi đây thành căn cứ quân sự và hậu cần của quân đội viễn chinh Nhật Bản ở miền Nam Trung Kỳ, đã sử dụng sân bay Tourane của người Pháp làm căn cứ quân sự của Tập đoàn Không quân 3 tại mặt trận khu vực Đông Nam Á. Về giáo dục, thời điểm này lần đầu tiên Tourane mới có một trường trung học mà là trường tư - đó là Trường Trung học Chấn Thanh của nhà giáo Phan Bá Lân con trai nhà cách mạng Phan Thành Tài thành lập trên địa bàn phường Phước Ninh ngày nay và đương thời được xem là ngôi trường duy nhất ở Trung Kỳ tuyển sinh học trò nam và nữ học chung, đặc biệt cả nhà thơ Lưu Trọng Lư và nhà thơ Chế Lan Viên đều dạy ở trường này.

Cuối cùng là năm Nhâm Thìn 1952. Tại thời điểm này, Đà Nẵng là một đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Thủ hiến Trung Việt với dân số đạt mốc 45.834 người; trong khi đó về phía cách mạng, ngày 6 tháng 9 năm 1952 Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Nghị định số 129/TTg sáp nhập thành phố Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Có thể nói thời điểm này cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Nam Đà Nẵng đã có những bước chuyển quan trọng, tạo nên áp lực lớn đối với các vùng tạm bị chiếm trong đó có Đà Nẵng, chẳng hạn trước khi kết thúc Chiến dịch Quảng Nam Đà Nẵng Hè - Thu 1952, Ban Chỉ huy Trung đoàn chủ lực 803 đã thành lập một bộ phận mang mật danh “DZ” gồm Đại đội 6 Tiểu đoàn 59 và một trung đội tăng cường của Đại đội 4 Tiểu đoàn 59, do Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Anh trực tiếp điều hành để thực hiện nhiệm vụ “tiến ra Tây Bắc Hòa Vang ém quân ở Khe Sơn, Lỗ Trào, Trường Định, khắc phục khó khăn, nêu cao quyết tâm tiêu diệt Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân, nghi binh đánh lạc hướng để đại bộ phận Trung đoàn lui quân về hậu phương”, và vào đêm 24 rạng ngày 25 tháng 9 năm 1952, trận đánh tiêu diệt cứ điểm Đồn Nhất của đơn vị DZ là trận công kiên chiến đầu tiên ở khu vực đèo Hải Vân chính thức bắt đầu và giành thắng lợi hoàn toàn.

Về giao thông vận tải, năm Nhâm Thìn 1952 là năm cây cầu đường sắt và đường bộ đầu tiên của Tourane được hãng Eiffel bắc qua sông Hàn vào năm 1951 được mang tên Thống chế De Lattre De Tassigny vừa qua đời tại Paris ngày 11 tháng 1 năm 1952 (thường gọi là cầu De Lattre). Cũng trong năm Nhâm Thìn 1952, Khâm sứ Trung Kỳ tách học sinh Pháp của Ecole Franco - Vietnamien de Tourane ra học ở Trường Ecole Francaice, trường còn lại mang tên Trường Tiểu học Đà Nẵng trên đường Yên Bái. Cũng thời điểm này, trường Trung học công lập Phan Châu Trinh bước đầu được hình thành trên cơ sở Công văn số 3214-VP-SV ngày 7 tháng 8 năm 1952 của Thủ hiến Trung Việt Lê Quang Thiết cho phép thiết lập một lớp Đệ thất (lớp 6 ngày nay) - lớp Đệ thất tân thiết này chính thức khai giảng ngày 15 tháng 9 năm 1952 tại một phòng học mượn tạm của Trường Tiểu học Đà Nẵng.

*

Trở lên là những phác thảo còn khá sơ lược về Đà Nẵng trong sáu năm Thìn dưới thời Pháp thuộc nhưng cũng đủ để hình dung tốc độ phát triển rất hạn chế trên nhiều lĩnh vực của thành phố bên sông Hàn khi đất nước chưa giành được độc lập, tự do và thống nhất.

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em