Rồng - Makara trong mỹ thuật Champa

10.01.2024
Trần Kỳ Phương và Nguyễn Tú Anh

Rồng - Makara trong mỹ thuật Champa

Rồng-makara kết hợp mặt Kala biểu tượng “khuôn mặt vinh quang” của hoàng gia Champa. Trang trí chân tháp Mỹ Sơn A1. Thế kỷ 10-11. Ảnh Trần Kỳ Phương.

Từ hơn 1500 năm trước Công nguyên, hình ảnh con rồng được đề cập trong thánh thư Rig Veda, một văn bản cổ nhất của nền văn học Ấn Độ, kể về thần Sấm sét Indra tiêu diệt con rồng khổng lồ Vritra, để khơi thông nguồn nước đổ từ thiên giới xuống trái đất nhằm phục vụ cho loài người. Rồng Vritra còn gọi là rắn Asura, chính là hiện thân của hạn hán, nó đã “giam hãm” các dòng sông khiến cho nhân loại vô cùng khốn khổ. Để cứu giúp loài người, thần Indra đã khẩn cầu thần Bảo tồn Vũ trụ Vishnu tạo cho một không gian để dàn trận với rồng Vritra. Để tiêu diệt được rồng Vritra, thần Indra phải uống rất nhiều rượu Soma dùng trong thánh lễ của đạo Bà-la-môn. Bên cạnh đó, kiến trúc sư thiên thần Tvashtri cũng đã giúp tạo ra “lưỡi tầm sét” để làm vũ khí đặc thù cho Indra. Với sức mạnh vô song, rồng Vritra gây trọng thương thần Indra khi mở đầu cuộc chiến, nhưng sau đó Indra đã nhanh chóng đánh bại rồng Vritra nhờ uống rượu Soma và sự trợ thủ đắc lực của “lưỡi tầm sét” sắc bén vô địch.

Trong triết học Ấn Độ, cũng tương tự như nhiều nền văn hoá khác, nước là biểu trưng cho nguồn sống, trí tuệ, may mắn, thịnh vượng; nước phản ảnh cội nguồn tâm thức của con người và là mối liên kết tất cả tạo vật trên trần gian. Vì thế, con rồng chính là linh thú tiêu biểu mang lại nguồn nước hay nguồn sống cho nhân loại. Cũng vậy, trong Bà-la-môn giáo linh thú gần gũi nhất với nước là rồng-makara. Rồng-makara được mô tả có đầu voi, mình cá sấu và đuôi rắn trở thành linh vật của thần Bảo tồn Vishnu và Thủy  thần Varuna. Trong nghệ thuật thị giác, rồng-makara được cách điệu với hình tượng giống như một con kình ngư há rộng mồm gợi lên hình ảnh chiếc hàm của cá sấu, được bài trí những nơi trang trọng nhất, như trên góc mái tháp hoặc trước lối vào chính, một biểu trưng mang ý nghĩa tốt đẹp nhất nhằm bảo hộ cho ngôi đền trên nhiều phương diện. 

Hình tượng rồng-makara trang trí trên các ngôi đền Shiva giáo mang những ý nghĩa sâu sắc như: Khuôn mặt rồng-makara nhắc nhở các tín đồ trút bỏ cái ‘ngã’ của chính mình trước khi bước vào đền; rồng-makara sẽ xóa tan những điều tiêu cực vô hình đeo bám trên thân thể trần tục của mỗi tín đồ trước khi họ bước vào thế giới thiêng của thần linh; rồng-makara được bài trí những nơi trang trọng nhất của ngôi đền nhằm ngăn cản bùa chú của kẻ thù sẽ không ảnh hưởng được đến các vị thần được thờ cúng trong ngôi đền đó. Rồng-makara được tạo ra từ cơ thể của thần Shiva - vị thần của Hủy diệt và Tái tạo, cho nên tại những ngôi đền Shiva giáo, khi tín đồ gởi lời khấn nguyện đến linh thú này thì họ sẽ được bảo vệ khỏi những điều xấu xa và bất hạnh, không bị những kẻ xấu hãm hại.

Trong các tôn giáo chính ở châu Á, hình tượng rồng mang một ý nghĩa sâu sắc hơn trong Phật giáo Ấn Độ, có thể thấy trong nhiều kinh điển tiếng Phạn hoặc tiếng Pali. Kinh điển Pali nói rằng Naga là loài vật có hình dạng giống rắn nhưng nhiều khi cũng được xác định chính là rồng; và thường được miêu tả là linh vật hộ trì cho ngọn núi thiêng Meru và đức Phật lịch sử Thích-ca-mâu-ni. Vì thế, đức Phật Thích-ca thường được diễn tả ngồi trên một cái ngai có trang trí đầu rồng-makara. Trong kinh điển Phật giáo Đông Á, rồng-makara được gọi là Ma-kiệt, nguyên là một loại thủy quái về sau được chư Phật giáo hóa đã trở thành con vật thánh thiện và hạnh nguyện độ trì Phật pháp. Rồng Ma-kiệt được miêu tả là “mắt như mặt trời, mặt trăng; mũi như núi lớn; miệng như núi lửa” thường hiện ra trong bão tố để hộ trì cho những tín giả hành hương bằng đường biển.

Trong nghệ thuật Đông Nam Á, hầu hết đền-tháp đều được trang trí hình tượng makara nhằm tôn vinh vẻ đẹp đồng thời bảo vệ sự thanh tịnh và mang lại sự phồn vinh cho ngôi đền. Vì ngôi đền Bà-la-môn hay Phật giáo giữ vai trò là trung tâm tinh thần và vật chất của cộng đồng cho nên hình tượng rồng-makara xuất hiện trên ngôi đền nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng đó, như tạo nên sự thông thương hàng hoá và bảo vệ mùa màng nhất là tránh được nạn hạn hán mất mùa.

Trong nghệ thuật tạo hình Champa, hình tượng rồng-makara sớm nhất được ghi nhận trên các đền thờ Bà-la-môn giáo tại Thánh địa Mỹ Sơn. Trên đài thờ nổi tiếng Mỹ Sơn E1, những vòm cửa được chạm trổ cầu kỳ thể hiện mô-típ rồng makara-rắn naga phối hợp nhau nhằm bảo vệ và tôn vinh hình tượng những ẩn sĩ khổ hạnh nơi chốn rừng sâu trong ngọn núi thiêng Mahaparvata, nay là Hòn Đền Mỹ Sơn, hành trì theo giáo phái Shiva khổ hạnh gọi là Pasupata phổ biến từ đầu thế kỷ 8. Điều dễ nhận thấy trên các ngôi đền ở Mỹ Sơn và tại nhiều di tích đền-tháp khác là có rất nhiều ô cửa hay tym-pan được tạo dáng hình mái vòm, trong đó hình tượng thần Thời gian hay Kala - một hoá thân của thần Shiva, kết hợp với hai đầu makara, biểu trưng cho sự cát tường nên được gọi là “Khuôn mặt vinh quang” hay Kirttimukha của hoàng gia.

Thế kỷ 12-13 được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của Champa, khi vương quốc này tham gia tích cực vào mạng lưới hải thương châu Á, và giữ vai trò trung chuyển hàng hóa chính yếu trong toàn khu vực. Vị vua uy dũng nhất là Jaya Harivarman, trị vì khoảng năm 1157/8, đã cho xây dựng nhiều đền đài tại thánh địa hoàng gia Mỹ Sơn cũng như trong khắp đất nước. Ngài cũng tạo được mối quan hệ ngoại giao vững mạnh với các vương quốc láng giềng, đặc biệt là Java (Indonesia) và đế chế Khmer thời Angkor. Hình tượng rồng-makara có thể xem là một trong những tác phẩm tạo hình đặc sắc, giàu tính sáng tạo, phản ảnh sâu sắc tình hình kinh tế, văn hóa, và vị thế của Champa trong các mối quan hệ ngoại giao rộng rãi xuyên suốt thời kỳ hưng thịnh này.

Hình 2. Rồng-makara đặc trưng tạo hình của nghệ thuật Champa, tác phẩm phản ảnh thời kỳ phát triển toàn diện của vương quốc trên lãnh vực kinh tế và văn hoá. Hợp kim đồng, cao 160 cm. Thế kỷ 12-13. Ảnh Trần Kỳ Phương.

Vào thời kỳ nghệ thuật đó, những linh thú makara mang dáng dấp một loại rồng truyền thống rất phổ biến trong nghệ thuật Đông Á và hình tượng này đã trở thành một trào lưu nghệ thuật thời thượng được ưa chuộng bởi cư dân Đông Nam Á đương thời. Cho đến ngày nay, hình tượng rồng-makara vẫn được trang trí phổ biến trên những đền thờ đạo Hindu ở Bali. May mắn thay, những phát hiện khảo cổ học gần đây cung cấp nhiều tác phẩm quý để tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình trong giai đoạn này. Trong đó, nổi bật là hình tượng rồng-makara được chế tác phổ biến trong các sản phẩm bằng gốm sứ cũng như trong nghệ thuật cung đình. Hình tượng rồng-makara đạt đến vẻ đẹp đỉnh cao khi chúng được chế tác bằng các loại hợp kim có kích thước lớn, chưa từng xuất hiện trong những thời kỳ nghệ thuật trước đó. 

Hình 3. Hình tượng rồng-makara sản xuất trong dòng gốm Đại Việt để xuất khẩu đến các vương quốc ở Đông Nam Á, nhất là Indonesia, nơi đã phát hiện nhiều hình tượng rồng-makara bằng gốm tương tự. Khai quật trong tàu đắm Cù Lao Chàm năm 1997-1998. Gốm Chu Đậu, Hải Dương, thế kỷ 15. Ảnh tư liệu.

Hình 4. Rồng-makara trang trí trước lối vào một ngôi đền Hindu tại đảo Bali (Indonesia). Ngày nay hình tượng rồng-makara vẫn được tôn thờ phổ biến tại Bali, bảo lưu mẫu hình và tín ngưỡng của linh vật truyền thống này qua nhiều thế kỷ. Ảnh Nguyễn Tú Anh.

T.K.P&N.T.A

Bài viết khác cùng số

Con tằm bận nhả tơTiếng chim hót bên triền núi xanhMỹ Khê mùa xuânThành phố phía Tây BắcCampuchia - đi và thấyXuân về trên núiĐừng đợi đến ngày 30 TếtNgày Tết vắng tiếng raoChiếc bánh cay vị gừngMùa xuân ngẫm về văn minh và ngụ ngôn của láTết Nguyên Đán - từ cái nhìn của Nguyễn Văn XuânĐà Nẵng những năm Thìn dưới thời Pháp thuộcỨng xử độc đáo của Bác Hồ 80 năm trướcTếtNgọn gió quẫy chân mùaThì thầm với cỏGiọng quêCánh đồng thiếu nữÁo carô*Cánh mỏng chao nghiêngSáng chủ nhật uống trà hoa cúcCuối năm lại nhớ rừngĐi giữa sương đêmThơ Trần Trúc TâmThời gianBên ướt mẹ nằmMùa lạTản khúc ngày cuối đôngGhé thăm bạn cũThơ ngắnHồn người xưaVĩnh cửuThơ Nguyễn Đông NhậtChiều mưa biển Mỹ KhêMột nửa tôiVê qua trảng vắngMùa xuân trên đồi cây sungLạc phố bên sôngCuối năm về thăm nơi sơ tán cũVề Đường LâmNắng tháng GiêngMột nhành xuânTa là cây cúc nhỏCành xuân biếcTiếng xuânĐóa hoa xuânXuânXuân hạnh phúcLúc lòng Nguyên ĐánVề bên tháng GiêngMưaChùm Haiku mùaĐêm nghiêngĐầu năm đọc lại Hoàng hạc lâuChiều xuânLy rượu chiều cuối nămNắng xuânNgười dẫn tôi về phía mặt trời mọc *Đọc tự truyện Ong rừng của Phan Đức NhạnTìm về thế giới tuổi thơ qua “Bồ Công Anh bay theo gió”Múa trong văn hóa du lịchMùa xuân, đọc sắc vàng trong thơMột tập ký sự khắc họa vùng đất, văn hóa, con người Đà NẵngẤn tượng đẹp về Triển lãm "Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2023"Võ Rồng ở nước ViệtSố nhiều và số ít trong lao động nghệ thuậtTrầm tư của một người yêu thơHình tượng con rồng trong văn hóa ViệtRồng - Makara trong mỹ thuật ChampaNhớ Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và Trăm năm thơ đất QuảngĐynh Trầm Ca và nỗi hoài hươngXuân Giáp thìn 2024Ảnh nghệ thuật "Tổ quốc bên bờ sóng"Tranh vuiBóng trời soi ruộng nướcChuyện vui: Một ngày xuânTình ta mãi mãi mùa xuânĐà Nẵng và em